Xung đột Nga-Ukraine làm thay đổi cách Mỹ mua sắm vũ khí

(PLO)- Xung đột Nga-Ukraine đã phơi bày lỗ hổng trong ngành công nghiệp quân sự của Mỹ khi các nhà sản xuất vũ khí phải chật vật đáp ứng nhu cầu khổng lồ về tên lửa và đạn dược. Lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu Quốc hội cấp tiền để mua những vũ khí này trong nhiều năm, thay vì đặt hàng hàng năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 13-3, Lầu Năm Góc thông báo chi tiết về yêu cầu ngân sách trị giá 842 tỉ USD mà các quan chức cho biết tập trung vào đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, yêu cầu ngân sách này cũng phản ánh một điều là xung đột Nga-Ukraine đã khiến Lầu Năm Góc nhận thấy cần làm cách khác để đảm bảo tính sẵn sàng trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột trực tiếp, theo tờ Politico.

Một sĩ quan quân đội Ukraine hướng dẫn binh sĩ ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Một sĩ quan quân đội Ukraine hướng dẫn binh sĩ ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại nước láng giềng Ukraine đã phơi bày lỗ hổng trong ngành công nghiệp quân sự của Mỹ khi các nhà sản xuất vũ khí phải chật vật đáp ứng nhu cầu khổng lồ về tên lửa và đạn dược.

Lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Quốc hội cấp tiền để mua những vũ khí này trong nhiều năm, thay vì đặt hàng hàng năm. Giới chức Mỹ hy vọng động thái này sẽ giúp tăng cường sản xuất vũ khí lên mức cao hơn để sẵn sàng cho cuộc chiến trong tương lai.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng hình thức hợp đồng nhiều năm cho các chương trình máy bay và tàu vì muốn tiết kiệm tiền và đảm bảo sự ổn định của dây chuyển sản xuất. Sử dụng các loại hợp đồng tương tự cho đạn dược sẽ giúp ngành vũ khí hiểu rõ hơn về số lượng Bộ Quốc phòng Mỹ dự định mua, giúp các công ty quốc phòng lớn thương lượng các đơn đặt hàng số lượng lớn với các nhà cung cấp của mình.

“Chúng tôi cần phải có một cơ sở công nghiệp vũ khí hiệu quả hơn cho chính mình ngoài những gì đang xảy ra ở Ukraine” – một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Lầu Năm Góc đang yêu cầu Quốc hội cấp 30,6 tỉ USD cho đạn dược trong năm tài khóa 2024, tăng 5,8 tỉ USD so với yêu cầu trong năm tài khóa 2023. Yêu cầu ngân sách này bao gồm hàng tỉ USD đạn dược, tên lửa chiến thuật và chiến lược cùng với ngân sách để phát triển công nghệ.

Mặc dù thay đổi chiến lược mua vũ khí xuất phát từ chiến sự ở Ukraine nhưng hầu hết các loại vũ khí này hiện không được chuyển đến Kiev, quan chức Mỹ nói trên cho biết. Bộ Quốc phòng Mỹ hy vọng có kinh phí để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga chủ yếu thông qua ngân sách bổ sung mà Quốc hội phê duyệt, dù chỉ có một lượng ít trong ngân sách dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine hàng năm.

Cũng theo quan chức trên, những gì Lầu Năm Góc đang làm ở đây là một chiến lược rộng lớn hơn cho một cuộc chiến ở tầm cao hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang áp dụng chiến lược tương tự đối với các hệ thống vũ khí nhất định đang được chuyển tới Ukraine, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa dẫn đường bắn loạt và đạn pháo 155 mm. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều việc hơn, cả việc gửi yêu cầu lên quốc hội lẫn thuyết phục ngành công nghiệp vũ khí rằng nhu cầu sẽ còn tiếp tục sau xung đột Nga-Ukraine, quan chức trên cho biết.

Bên cạnh đạn dược, yêu cầu ngân sách của Lầu Năm Góc còn bao gồm 37,7 tỉ USD để hiện đại hóa bộ ba hạt nhân cùng với 145 tỉ USD để mua sắm và 170 tỉ USD cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và kỹ thuật. Đây là những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.

Đề xuất ngân sách cũng bao gồm 29,8 tỉ USD để đánh bại và phòng thủ tên lửa, 11 tỉ USD dành cho tên lửa cận âm tầm xa và tên lửa siêu thanh, khoản ngân sách không gian lớn nhất từ trước tới nay là 33,3 tỉ USD, 13,5 tỉ USD cho các hoạt động không gian mạng và 9,1 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm