Xung quanh chuyện kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

(PLO)- Cán bộ, công chức, viên chức “dính” nồng độ cồn ngoài việc bị phạt hành chính còn bị cơ quan xử lý kỷ luật; điều này còn gây băn khoăn cho không ít người…

Gần đây có ý kiến cho rằng cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC), đảng viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ (trong đó có vi phạm nồng độ cồn) tức là đã vi phạm các quy định về nghĩa vụ của CBCC-VC; vi phạm những việc CBCC-VC không được làm. Do vậy, những người này sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật hành chính.

Cơ sở pháp lý: Chưa thật sự vững

Thật ra lý giải trên chưa thật thuyết phục đối với CC-VC không phải là đảng viên, vì nếu lý giải như trên thì không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà CC-VC nếu vi phạm các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Môi trường… mà bị xử phạt vi phạm hành chính thì đều phải bị xử lý kỷ luật. Và nếu như thế thì cả lý luận pháp lý và thực tiễn đều chưa phù hợp.

Chuyện xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn còn gây băn khoăn cho không ít người… Ảnh: QUỲNH ANH

Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 112/2020, CBCC-VC bị xử lý vi phạm với nhóm hành vi sau thì mới bị xử lý kỷ luật: “Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Tức Nghị định 112/2020 chỉ giới hạn những hành vi này để chịu “chế tài kép”, điều này xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của CBCC-VC, của đơn vị - nhóm chủ thể thực hiện nhiệm vụ công.

Còn nếu cho rằng căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật CBCC-VC bị xử phạt vi phạm pháp luật giao thông là Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới) thì cũng không phù hợp. Bởi lẽ Chỉ thị 10/CT-TTg thể hiện nội dung: “Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị”. Quy định này nhằm đôn đốc siết chặt kỷ cương quản lý nội bộ (xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, cơ quan, đơn vị) chứ không buộc các cơ quan, đơn vị phải xử lý kỷ luật CBCC-VC bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông.

Cần xem xét để phù hợp cả lý lẫn tình

Theo chúng tôi, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào yêu cầu phải đồng thời xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ đối với CC-VC không phải là đảng viên. Còn đối với đảng viên thì áp dụng quy định của Đảng.

Tạo chuyển biến mạnh trong xã hội

Gần đây có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ (cụ thể là “dính” nồng độ cồn) đã bị công an gửi thông báo về cơ quan, đơn vị của người vi phạm. Có địa phương, Thường trực Tỉnh ủy còn có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạo xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định đối với CBCC-VC, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Động thái này được cho là biện pháp mạnh, có tác dụng răn đe khiến đảng viên, CBCC-VC phải tuân thủ nghiêm quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, góp phần nêu gương, tạo chuyển biến mạnh trong xã hội.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề trong tổng thể quy định pháp luật, đó là có hàng ngàn hành vi vi phạm trong các lĩnh vực sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, việc vi phạm giao thông đường bộ chỉ là một trong những hành vi vi phạm. Đây là vi phạm khá phổ biến với mọi người, rất nhiều trường hợp lỗi vô ý như lấn tuyến, vượt quá tốc độ, chuyển hướng sai quy định… hoặc ngay cả trường hợp tối có uống rượu bia, hôm sau lái xe đi làm nhưng vẫn có thể còn nồng độ cồn (dù rất ít). Vì vậy, nếu cứ bị xử lý vi phạm giao thông sau đó còn bị xử lý kỷ luật hành chính thì liệu rằng điều này có phù hợp cả về lý lẫn tình?!

Ngoài ra, nếu áp dụng việc xử lý kỷ luật hành chính CBCC-VC bị phạt vì vi phạm hành chính về giao thông thì rất có khả năng dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương xử lý kỷ luật với những mức độ khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, không công bằng.

Hơn nữa, bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm, việc nhận thêm hậu quả của xử lý kỷ luật nữa cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phấn đấu, quá trình công tác của cán bộ, đảng viên, nếu vì sơ sẩy vi phạm giao thông mà lãnh hậu quả như vậy thì quá nặng.

Nên chăng trong giai đoạn chấn chỉnh nghiêm tình trạng uống rượu bia mà vẫn lái xe thì cán bộ, đảng viên phải là những người nêu gương để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội. Nghĩa là sau khi cơ quan xử phạt gửi thông tin về đơn vị, lãnh đạo đơn vị chỉ cần ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh trong toàn cơ quan, đơn vị, thay vì xử lý kỷ luật. Tất nhiên, với những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận thì nên xử lý để làm gương.

Đảng viên và “chế tài kép”

Riêng đối với đảng viên (CC-VC là đảng viên) bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông thì có thể bị xử lý kỷ luật Đảng theo Quy định 37-QĐ/TW và Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW về hướng dẫn 19 điều đảng viên không được làm. Trường hợp này, đảng viên bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông tức là đã vi phạm Điều 1 của Quy định 37, tức là làm những việc pháp luật cấm.

Và nếu CC-VC là đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng thì sau đó sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính theo nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Nghị định 112/2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới