Xung quanh vụ tàu Dìn Ký: Tàu hết hạn, ba cơ quan xử lý

Vụ tàu Dìn Ký đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 1 nhưng vẫn tham gia hoạt động vận tải khách du lịch làm 16 người chết đang đặt ra câu hỏi: Cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm trong việc này: Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm, Cục Đường thủy nội địa hay sở GTVT địa phương… Câu trả lời vẫn chưa rõ.

Đăng kiểm không có quyền phạt

Ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Đường sông Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Theo quy định, đăng kiểm không có chế tài với các trường hợp đến hạn nhưng không mang phương tiện đến đăng kiểm. Chỉ khi nào các phương tiện đó tham gia giao thông mới xem là vi phạm và nhiệm vụ xử phạt thuộc về các cơ quan chức năng.

Theo ông Học, để hạn chế cũng như ngăn chặn tình trạng tàu thuyền hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn chạy, các đơn vị đăng kiểm thường phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy để thông tin hỗ trợ cho nhau. Đơn vị đăng kiểm thường chiết xuất dữ liệu thông tin về các tàu thuyền đã hết hạn đăng kiểm gửi cho cảnh sát giao thông. Từ dữ liệu đó, cảnh sát giao thông có thể tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý các tàu thuyền hết hạn đăng kiểm.

“Sau khi chiết xuất cung cấp thông tin thì việc cảnh sát giao thông có xử lý hay không, đơn vị đăng kiểm không thể biết được. Tôi cũng chưa nắm là đơn vị đăng kiểm đã chiết xuất và cung cấp dữ liệu tàu Dìn Ký hết hạn đăng kiểm cho cảnh sát giao thông chưa. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ chế phối hợp giữa các ngành chứ pháp luật chưa quy định” - ông Học nói.

Xung quanh vụ tàu Dìn Ký: Tàu hết hạn, ba cơ quan xử lý ảnh 1

Cơ quan chức năng đang kiểm tra tàu nhà hàng ở khu vực bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM). Ảnh: MP

Một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết sẽ kiểm tra việc phối hợp trên. Nếu đăng kiểm đã gửi thông tin cho cảnh sát giao thông đường thủy mà không kiểm tra, xử lý là chưa làm tròn trách nhiệm.

Thanh tra Cục  “ôm” không xuể

Theo ý kiến của một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, sở này chỉ kiến nghị lên trên chứ không được xử lý nếu các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động vì sông Sài Gòn do Cục Hàng hải quản lý, Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý bến đò trên sông… Điều này ông Phạm Bạch Dương - Chánh Thanh tra Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xác định: Thẩm quyền quản lý khu vực trên thuộc về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều lực lượng có thẩm quyền xử phạt như Thanh tra Cục, Thanh tra Sở GTVT và cảnh sát giao thông.

Theo ông Dương, hiện nay số lượng thanh tra Cục Đường sông chỉ khoảng 70 người, lại hoạt động trong phạm vi cả nước nên rất khó bao quát. Do đó, hơn ai hết, chính các lực lượng chức năng địa phương mới là những người nắm rõ và sâu sát nhất tình hình hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. “Sở GTVT không có thẩm quyền xử phạt là không đúng” - ông Dương khẳng định.

Nâng chỉ số an toàn  tàu nhà hàng

Hiện tàu nhà hàng kết hợp du lịch trên sông khá phổ biến nhưng Quyết định 34/2004 của Bộ GTVT lại không có quy định cụ thể đối với việc quản lý hoạt động này. Vì vậy, Bộ GTVT cần bổ sung quy định.

Ông TRẤN THẾ KỶ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Theo ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), về cơ bản, thiết kế kỹ thuật của loại tàu chở khách và tàu làm nhà hàng không khác nhau nhiều. Theo thiết kế, loại tàu nhà hàng này có khả năng chịu đựng sức gió cấp 7. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp, có thể xảy ra gió mạnh đột ngột kèm lốc xoáy nên chúng tôi sẽ xem xét nâng hệ số an toàn đối với loại tàu này lên mức cao hơn. Ngoài ra, ngành đăng kiểm sẽ xem xét đến tính đặc thù, nếu cần thiết sẽ bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn hơn.

Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau nhiều vụ tai nạn giao thông do tàu thuyền bằng gỗ, đơn vị này dự kiến sẽ kiến nghị sửa đổi một số quy định kỹ thuật của các tàu thuyền. Cụ thể, đối với các tàu chở khách du lịch, bắt buộc vỏ tàu ở phần bên dưới phải làm bằng sắt để có độ vững chắc hơn.

Hôm nay, Bộ GTVT làm việc với Bình Dương

ông Cao Kim Phụng, Cục phó Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết: Hôm nay (25-5), đoàn công tác của Bộ GTVT sẽ làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành liên quan về công tác quản lý các tàu, nhà hàng nổi tại địa phương này.

Cuộc họp sẽ nghe địa phương báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong quản lý loại phương tiện này để có những kiến nghị, tham mưu cho Bộ GTVT có các quy định nhằm quản lý tốt hơn các phương tiện nhà hàng nổi trong tương lai.

Theo một nguồn tin, ngoài các việc trên, đoàn công tác cũng bàn bạc chuyện bồi thường kinh phí ban đầu cho các nạn nhân trong vụ đắm tàu.

THÀNH VĂN - MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm