Ý kiến trái chiều về thực hành lái xe trên cao tốc

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng thực hành lái xe trên cao tốc sẽ gây nguy hiểm cho người đang học lái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, đề xuất về việc đưa nội dung thực hành lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe của Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng đề xuất này là thiết thực, góp phần để các tài xế có kinh nghiệm hơn khi lái xe trên nhiều cung đường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đảm bảo an toàn cho người học lái xe cần thiết hơn.

Người tập lái không thể chạy tốc độ 80-90 km/giờ

Một giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM cho biết để người học lái xe có kinh nghiệm khi chạy xe ra đường thật thì tất cả đều phải huấn luyện cho học viên đi trong mọi điều kiện như đi đường bằng, đường dốc, đèo núi, cao tốc, sương mù, trời mưa.

Tuy nhiên, để xe tập lái chạy trên cao tốc rất nguy hiểm. “An toàn giao thông phải là điều kiện tiên quyết, trong khi lái xe trên đường cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm kể cả với những người lái xe kỳ cựu kinh nghiệm. Do đó, để những người tập lái chạy trên cung đường này càng khó xử lý” - vị này cho hay.

Hiện nay, chương trình đào tạo hạng B2 đã lên đến 83 giờ là quá nhiều, trong khi các nước như Singapore, Thái Lan chỉ khoảng 35-40 giờ. Nếu thêm phần đào tạo thực hành lái xe trên cao tốc thì sẽ đôn số giờ học lên. Ngoài ra, trong 120 tình huống mô phỏng trong đào tạo và sát hạch GPLX cũng đã có những tình huống trên cao tốc để cảnh báo người học, người thi lấy GPLX.

Đại diện một trung tâm

dạy lái xe tại TP.HCM

Cũng theo vị này, lái xe trên cao tốc bắt buộc phải tuân thủ tốc độ tối đa và tối thiểu, người tập lái xe không thể chạy với tốc độ 80-90 km/giờ. “Hiện nay trong lý thuyết cũng đã dạy các biển báo, cách nhập làn, một số mẹo khi xử lý tình huống trên đường cao tốc. Chưa kể đến trong 120 tình huống mô phỏng cũng đã có một số tình huống trên cao tốc, cũng đã cảnh báo cho người học những tình huống nguy hiểm” - vị này nói thêm.

Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an đề xuất đưa nội dung thực hành lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe. Ảnh minh họa: THY NHUNG

Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an đề xuất đưa nội dung thực hành lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe. Ảnh minh họa: THY NHUNG

Anh Nguyễn Huỳnh Minh Tuấn (quận Gò Vấp) nói: “Thật ra chạy xe trên cao tốc cũng chỉ là đọc biển báo rồi chạy theo. Cao tốc cũng như đường quốc lộ, người lái xe chỉ cần nghiêm chỉnh tuân thủ luật thì cũng không có gì khác nhau”. Theo anh Tuấn, việc lái xe an toàn ở bất kỳ một cung đường nào cũng nằm ở ý thức của người lái xe.

Vì vậy, nếu đề xuất này chỉ nhằm để người lái xe nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông thì không cần thiết, bởi đơn giản là cơ quan chức năng có thể đưa ra hình thức chế tài nghiêm khắc để răn đe người tham gia giao thông.

Còn anh Nguyễn Hữu Tài, một tài xế hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe tải thì đồng tình với đề xuất đưa nội dung thực hành lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe. Theo anh Tài, chạy xe ở đường cao tốc sẽ khiến tài xế phải xử lý nhiều tình huống.

“Có nhiều người chạy trên cao tốc nhưng chạy làng xàng không đúng tốc độ, thắng gấp. Theo kinh nghiệm xe muốn vào trạm dừng chân thì tài xế cần vào làn giữa rồi xi nhan báo hiệu và từ từ vào trạm. Tuy nhiên có những người ào ào đi vào, nếu gặp xe tải thì sẽ thắng không kịp” - anh Tài nói.

Chương trình đào tạo đã có lái xe trên cao tốc

Theo quy định của Văn bản hợp nhất 20 (hợp nhất Thông tư 12/2017 và Thông tư 38/2019 quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ), trong nội dung môn học pháp luật đường bộ đã có 0,5 giờ học về biển báo trên đường cao tốc, 1 giờ trong hệ thống báo hiệu đường bộ trên cao tốc.

Trong môn học thực hành lái xe, dù không có hạng mục chi tiết về lái xe trên cao tốc, tuy nhiên đối với tập lái trên đường phức tạp có quy định 41 giờ (cả hạng B1 và B2, riêng hạng C là 72 giờ). Ngoài ra, trong môn thực hành lái xe cũng có quy định số giờ trên mỗi loại đường như tập trong bãi phẳng, đường bằng, đường đèo núi, tập lái xe ban đêm và lái xe có tải…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định trong chương trình đào tạo lái xe hiện hành đã có hẳn một chương về lái xe trên đường cao tốc.

Cạnh đó, theo Nghị định 138/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, cũng như một số thông tư khác của Bộ GTVT sắp tới sẽ bổ sung phần học cabin lái xe, trong đó sẽ có thêm phần nội dung phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trên đường cao tốc, địa hình đồi núi, băng tuyết… Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2023.

“Việc đưa thêm quy định này không làm tăng thêm tổng thời lượng trong chương trình đào tạo lái xe…” - ông Thống khẳng định.

Sẽ áp dụng cabin học lái xe từ đầu năm 2023

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 04/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 về quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ. Trong đó, Bộ GTVT cho phép các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô để đào tạo lái ô tô trước ngày 31-12-2022.

Theo Bộ GTVT, nội dung quy trình học trong cabin học lái sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài “đề pa” lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm