Yêu cầu bác sĩ đình công quay lại làm việc, chính phủ Hàn Quốc có cưỡng bức lao động?

(PLO)- Các chuyên gia pháp lý vẫn chưa thống nhất quan điểm liệu chính phủ Hàn Quốc có vi phạm quy định cấm cưỡng bức lao động hay không, khi yêu cầu các bác sĩ đình công quay lại làm việc. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc đình công của các bác sĩ ở Hàn Quốc bắt đầu vào giữa tháng 2 để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y, theo tờ The Korea Herald.

Cuối tháng 2, chính phủ Hàn Quốc đã ra thời hạn cho các bác sĩ đình công quay trở lại làm việc trễ nhất là trong ngày 29-2. Chính phủ cũng cảnh báo rằng các bác sĩ đình công có thể bị xử lý hình sự hoặc bị thu hồi giấy phép hành nghề nếu không tuân theo các quy định.

Việc Hàn Quốc yêu cầu bác sĩ đình công quay lại làm việc là hành vi cưỡng bức lao động?
Nhân viên y tế và bệnh nhân tại một bệnh viện ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hôm 10-3. Ảnh: YONHAP

Theo ước tính của chính phủ Hàn Quốc, tính đến ngày 7-3, gần 12.000 bác sĩ thực tập, tương đương 93% tổng số bác sĩ thực tập trên toàn quốc, đã đình công và chưa quay lại làm việc.

Ngày 11-3, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết đã gửi thông báo về việc đình chỉ giấy phép hành nghề tới khoảng 5.000 bác sĩ thực tập không tuân thủ yêu cầu quay trở lại làm việc mà chính phủ đưa ra cuối tháng 2.

Nhiều nhân viên y tế Hàn Quốc cho rằng việc chính phủ yêu cầu các bác sĩ thực tập quay lại làm việc đã vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Cụ thể, nhiều nhân viên y tế cho rằng yêu cầu của chính phủ đã vi phạm Công ước số 29 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó quy định cấm bất kỳ thực thể nào sử dụng lao động cưỡng bức.

Những người này cho rằng chính phủ Hàn Quốc đã hạn chế quyền tự do của các bác sĩ thực tập về việc bắt đầu hoặc từ bỏ công việc. Theo họ, chính phủ đã buộc các bác sĩ này phải tiếp tục làm việc mà không có bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng đất nước đang đối mặt cuộc khủng hoảng y tế. Do đó, họ lập luận rằng đây được xem là hành vi cưỡng bức lao động.

Chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ lập luận này. Theo đó, phía chính phủ dẫn một điều khoản đặc biệt trong Công ước số 29 của ILO rằng việc từ chức hàng loạt của các bác sĩ có thể "gây nguy hiểm cho sự tồn tại, hạnh phúc của toàn bộ hoặc một phần người dân".

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc buộc các bác sĩ phải quay lại làm việc là điều có thể chấp nhận được, vì nếu không thì người dân sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng y tế.

ILO vẫn chưa đưa ra quan điểm về việc chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các bác sĩ thực tập quay lại làm việc.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một chuyên gia pháp lý ở Seoul rằng việc chính phủ Hàn Quốc không chấp nhận đơn từ chức của các bác sĩ thực tập được coi là hành vi cưỡng bức lao động, do đó cấu thành hành vi vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho rằng yêu cầu của chính phủ Hàn Quốc không cấu thành hành vi vi phạm quy định của ILO vì về bản chất, các bác sĩ thực tập không phải là đối tượng bị cưỡng bức lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm