Và ông vẫn thường kể cho tôi nghe về những năm tháng ông bị thực dân Pháp giam cầm qua hết các nhà tù từ Bắc vào Nam, từ nhà tù Sơn La đến nhà tù Côn Đảo.
Có không ít người cho rằng người cộng sản đi làm cách mạng vì nghèo khổ nhưng cha tôi khi còn sống không nói như thế. Bởi theo ông, nhiều nhà cách mạng thời đó không nghèo. Thậm chí vì họ không nghèo thì họ mới có điều kiện học hành, mới được tiếp xúc với học thuyết cộng sản và tìm ra con đường mới cho đất nước và lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập.
Nếu người cộng sản chỉ tham vinh hoa phú quý thì sẽ chẳng có những người như nhà tình báo Hai Thương, từ chối gia tài triệu đô mà Mỹ hứa cho, thà bị cưa chân sáu lần chứ nhất quyết không chịu khai ra đồng chí, đồng đội. Nếu người cộng sản mưu cầu hạnh phúc cá nhân thì làm sao họ có thể chịu đựng nổi sự đày đọa kinh hoàng trong những nhà tù thực dân, đế quốc mà vẫn thấy hạnh phúc, vững tin vào lý tưởng mình theo đuổi.
Người cộng sản hiểu sự vô hạn của đời sống này và hữu hạn của cuộc đời mình. Người cộng sản cũng hiểu sự sống hữu hạn của mình là vô cùng quý báu vì không có lần thứ hai. Nhưng họ vẫn hy sinh cho một cái vô hạn, đó là sự trường tồn của dân tộc. Vì sao họ làm thế? Vì họ thấu suốt một điều: Khi mình đang ở trong cái tồn tại này thì mình phải phấn đấu cho nó đến hơi thở cuối cùng. Khi biết cuộc sống của mình là hữu hạn mà vẫn dám hy sinh thì sự hy sinh đó là vô cùng cao quý.
Khi con trai tôi chuẩn bị đi du học, tôi đã đưa cháu ra nhà tù Côn Đảo. Tôi muốn nhắc cháu về sự hy sinh của ông nội và những người cộng sản. Tôi muốn nhắc cháu về sự hy sinh của ông nội mình và những người cộng sản thế hệ ấy đã cho cháu cơ hội hôm nay.
Tôi muốn cháu ghi nhớ và trân trọng sự hy sinh đó, để biết nâng niu những gì mình có và học được cách yêu thương cuộc sống, yêu thương con người và đối xử với người khác bằng tình thương giữa người với người.
Hôm nay lần đầu tiên đến thăm nhà tù Sơn La, nơi cha tôi và nhiều người đồng chí, đồng đội của ông đã từng bị giam cầm thời Pháp.
Và có lẽ để sống cho xứng đáng với họ, chúng ta phải luôn nhắc nhở nhau biết yêu thương cuộc sống này, yêu thương dân tộc này và yêu thương những người sống quanh ta. Là con người phải yêu thương vạn vật, là công dân thì phải biết yêu thương đất nước. Là quan chức phải biết yêu thương dân mình.
Tôi luôn tin tình thương là một thứ năng lượng kỳ diệu mà bản thân nó có thể tạo ra những phép lạ. Khi chúng ta biết yêu thương, chúng ta có thể làm được những việc mà những người không biết yêu thương không thể làm được. Khi chúng ta biết yêu thương, chúng ta sẽ cùng nhau làm nên những điều kỳ diệu.
(Phát biểu của TS Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư
Lê Duẩn, tại đại lễ cầu siêu tại nghĩa trang nhà tù Sơn La)