Tuần vừa qua, thị trường vàng thế giới không đón nhận nhiều thông tin kinh tế. Khởi đầu tuần, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng cao kỷ lục dựa trên nền giá cao đã có từ tuần trước đó.
Giá vàng thế giới đương đầu với rủi ro suy giảm trong ngắn hạn
Vào đầu tuần, giá vàng thế giới khởi đầu phiên ở mức khoảng 2.421,2USD/ounce, giá vàng duy trì trên ngưỡng 2.400USD/ounce cho đến sáng ngày thứ Tư (ngày 22-5), giá vàng rơi xuống ngưỡng hỗ trợ quan trọng và bắt đầu giảm sâu.
Biên bản cuộc họp tháng 4 và tháng 5-2024 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào chiều ngày thứ Tư cũng không hỗ trợ được cho giá vàng thế giới bởi thị trường vàng đón nhận thông tin cho thấy một số thành viên có quyền bỏ phiếu thuộc Fed đang “để ngỏ” khả năng nâng lãi suất lên cao hơn nữa nếu điều kiện thực sự cần thiết.
Giá vàng thế giới giao ngay sau đó lập tức hạ sâu trong phiên ngày thứ Năm và phiên ngày thứ Sáu, và tính cả tuần giá vàng hạ đến 3%.
Theo khảo sát mới nhất thực hiện bởi Kitco News, ước tính khoảng ¾ các chuyên gia ngành tin rằng giá vàng nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc giảm sâu trong ngắn hạn, trong khi đó khoảng một nửa các nhà đầu tư cá nhân vẫn tin giá vàng có thể tăng trong những ngày sắp tới.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại quỹ RJO Futures, ông Daniel Pavilonis, hiện đang cân nhắc đến những yếu tố đã kéo giá vàng giảm trong hai phiên cuối tuần. Theo ông, trước tiên là làn sóng chốt lời của nhà đầu tư sau khoảng thời gian giá vàng tăng quá nóng. Thứ hai, có sự dịch chuyển tiền của nhà đầu tư sang một số loại tài sản khác sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trở lại.
Ông Pavilonis tin rằng sự điều chỉnh của giá vàng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và việc giá vàng giảm trong thời gian gần đây thực ra mang đến cơ hội mua vào cho nhà đầu tư.
Trong tuần này, không có quá nhiều thông tin kinh tế Mỹ được công bố. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày thứ Hai. Những thông tin kinh tế quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng bao gồm chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ do Conference Board công bố vào ngày thứ Ba (ngày 28-5); số liệu GDP Mỹ quý 1-2024 và doanh số nhà chờ bán công bố vào ngày thứ Năm (ngày 30-5); chỉ số giá sản xuất và thu nhập cá nhân Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (ngày 31-5).
Giám đốc điều hành tại quỹ Bannockburn Global Forex, ông Marc Chandler, đồng thời cũng tin rằng rủi ro suy giảm của giá vàng trong ngắn hạn là hoàn toàn có thực: “Giá vàng lập kỷ lục mới ngay đầu tuần mới có lẽ là bởi phản ứng với thông tin Tổng thống Iran qua đời. Tuy nhiên sau khi ảnh hưởng của vụ việc này qua đi, yếu tố đồng USD mạnh và lãi suất cao kéo giá vàng giảm trở lại và đã có lúc xuống sát mốc 2.325USD/ounce”.
Giá vàng trong nước không ghi nhận nhiều biến động
Cập nhật vào đầu giờ sáng ngày hôm nay (ngày 27-5), giá vàng miếng SJC trong nước giao dịch ở mức 87,5 – 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không có nhiều biến động trong những phiên gần đây.
Chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra như vậy đã thu hẹp đáng kể so với ngưỡng 3 triệu đồng/lượng ở một số thời điểm trước.
Giá vàng miếng PNJ 999.9 giao dịch ở mức 74,6 – 76,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 75,21 – 76,66 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), nhích nhẹ một chút ở chiều mua vào so với cuối tuần trước.
Nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khởi động lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22-4. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm nhà điều hành nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng.
Năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Từ 22-4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC diễn ra. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.