Yếu tố tích cực cho phát triển chứng khoán trong dài hạn

(PLO)-  Xu hướng giảm điểm trên thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu dừng lại, VN-Index tiếp tục giảm sâu, mức hỗ trợ 1.400 đã chính thức bị phá vỡ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường chứng khoán trong nước giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đây cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ cuối tháng 6-2020. Xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại, VN-Index giảm sâu, mức hỗ trợ 1.400 điểm đã bị phá vỡ. Thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch.

Tính đến 11 giờ sáng 21-4, chỉ số VN-Index lại tiếp tục giảm thêm hơn 10 điểm, xuống còn 1.373 điểm.

Trong 10 phiên gần đây, thị trường đã giảm 154 điểm, tương đương mất 10,13%, chỉ có vỏn vẹn hai phiên tăng. Tâm lý nhà đầu tư hiện xuống rất thấp khi cứ vào phiên chiều, thị trường lại có nhịp giảm mạnh với hàng trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn.

Chuỗi giảm năm phiên liên tiếp đã lấy đi của thị trường hơn 150 điểm nhưng điều đáng nói là kể từ đầu tuần thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn, đây có thể là hiện tượng giải chấp cổ phiếu.

Trong bối cảnh diễn biến trên thị trường tiêu cực như hiện tại và đà rơi vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Do đó, các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm một vài phiên tới. Nhà đầu tư cũng chưa cần thiết phải tiếp tục hạ thêm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, mà nên chờ đợi thị trường ổn định hơn hoặc xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn để cơ cấu lại danh mục.

Kể từ đầu tháng 4-2022, một số sự kiện và thông tin không tích cực đã tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm từ 1.492 điểm vào cuối tháng 3 xuống 1.384 điểm vào ngày 20-4, tương đương mức giảm 7,2%.

Lý giải nguyên nhân, VinaCapital cho rằng có hai yếu tố tác động chính. Thứ nhất, thông tin những vụ xử lý vi phạm của các lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 29-3, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giữ với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.

Tiếp theo đó, ngày 5-4, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh….

Thứ hai, tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. giới.

Tuy nhiên, VinaCapital nhấn mạnh, với việc chỉ số VN Index đã giảm 7,6% từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn. Hơn nữa, với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22% trong năm 2022.

Đây là động lực quan trọng nhất để thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022

Về tác động của việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, VinaCapital cho rằng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng, song đây sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm