Hình phạt cảnh cáo có coi là tiền án?

Phiên tòa sơ thẩm xét xử hai nguyên điều tra viên và hai nguyên phóng viên đã kết thúc ngày 15-10. Ngoài hai bị cáo Đinh Văn Huynh và Nguyễn Việt Chiến bị phạt tù giam, tòa tuyên án phạt cảnh cáo đối với ông Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và phạt bị cáo Nguyễn Văn Hải, nguyên phóng viên (Báo Tuổi Trẻ) 24 tháng cải tạo không giam giữ (CTKGG).

“Cảnh cáo”: Hình phạt nhẹ nhất

Trong hệ thống hình phạt của nhà nước ta hiện nay có bảy loại hình phạt chính thì cảnh cáo được coi là nhẹ nhất. Bởi hình phạt này không cách ly người bị kết án khỏi xã hội, họ vẫn sinh hoạt bình thường với một số hạn chế luật định. Cụ thể là người bị cảnh cáo (ông Phạm Xuân Quắc) được coi là phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ... Cảnh cáo là sự “lên án” công khai của nhà nước, người bị kết án bị tổn hại về tinh thần, không liên quan đến quyền lợi về thể chất và tài sản. Người bị xử phạt cảnh cáo mang án tích trong thời hạn một năm, nghĩa là sau một năm kể từ ngày thi hành án (ở đây cũng là ngày tuyên án - 15-10) ông Quắc được coi như chưa hề bị kết án, không bị coi là “có tiền án” nữa.

Cải tạo chưa đủ thì cải tạo tiếp!

CTKGG cũng tương tự như vậy. Hình phạt này chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Theo đó, tòa án giao người bị tuyên hình phạt này về cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền nơi người đó thường trú để cùng với gia đình họ giám sát, giáo dục. Khi người bị kết án chấp hành được 1/3 thời hạn CTKGG (trường hợp ông Hải là được tám tháng) và có nhiều tiến bộ hoặc lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được tòa án xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt luôn.

Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định (như phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy ước nơi mình cư trú; làm cam kết với cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nêu rõ quyết tâm và hướng sửa chữa lỗi lầm; hàng tháng báo cáo với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của mình...). Nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp theo yêu cầu.

Người thi hành hình phạt này khi làm việc phải bị khấu trừ một phần thu nhập (tối đa 20%) để sung vào quỹ nhà nước. Họ phải khai báo và giao nộp đầy đủ phần thu nhập bị khấu trừ cho cơ quan thi hành án dân sự. Nếu không nộp đúng hạn thì phải chịu thêm lãi suất ngân hàng.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giam (trường hợp ông Hải) thì được trừ vào thời gian phải chấp hành hình phạt CTKGG, cứ một ngày tạm giam tính bằng ba ngày CTKGG. Cụ thể trường hợp này, ông Hải bị bắt tạm giam ngày 12-5 đến ngày tòa tuyên án 15-10 là năm tháng lẻ ba ngày giam thì coi như ông Hải đã thi hành án được 15 tháng chín ngày CTKGG rồi. Vì ông Hải bị tòa tuyên phạt 24 tháng CTKGG nên ông Hải còn phải thi hành thêm tám tháng 21 ngày CTKGG nữa. Thực tế ông đã được trả tự do ngay sau khi tòa tuyên án và sẽ tiếp tục thi hành án thêm tám tháng 21 ngày CTKGG tại cơ quan công tác hay địa phương cư trú, tức là đến ngày 6-7-2009 ông Hải sẽ được coi như thi hành xong bản án dành cho mình.

Người bị hình phạt CTKGG cũng được đương nhiên xóa án tích sau một năm như người bị cảnh cáo, nghĩa là kể từ ngày ông Hải thi hành án xong (6-7-2009) thì sau đó một năm ông Hải được xóa án, tức kể từ 7-7-2010 ông Hải được coi như chưa hề bị kết án, chưa có tiền án.

Có bị mất quyền công dân không?

Theo pháp luật, không có ai bị mất tất cả quyền công dân cả. Chỉ một số trường hợp đối với một số người phạm tội, tòa án tuyên tước một số quyền công dân của họ mà thôi (như quyền ứng cử, quyền bầu cử, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân). Việc tước một số quyền công dân về nguyên tắc cũng chỉ áp dụng đối với người bị kết án tù mà thôi. Trong vụ án này, tòa không tuyên tước quyền công dân nào của ai cả. Cho nên cả bốn bị cáo này vẫn còn đầy đủ quyền công dân như mọi công dân khác.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm