Lũ rút, miền Trung trắng tay

Hôm qua (14-11), nước lũ đã rút một phần, liên lạc đã tạm ổn nhưng việc đi lại trong các vùng còn rất khó khăn. Nhiều nơi như vùng Tây Quế Sơn, vùng B Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) vẫn còn ngập nặng. Quân khu V đã thực hiện bảy chuyến bay cứu trợ lương thực, nước uống cho bà con ở Quảng Nam.

“Nhà tôi mô?”

Dọc hai bên tỉnh lộ 611, đường lên rốn lũ tây Quế Sơn, nước xăm xắp mặt đường. Học sinh bắt đầu xách dép trở lại trường trên những lớp bùn non dày nửa thước. Chúng tôi đến xóm Cây Muồng (xã Quế Trung) khi nước vừa rút.

Chị Lê Thị Túy Nguyệt ôm con nhỏ ngồi trên cây cột duy nhất còn lại của nhà mình lắc đầu, thở dài. Nền nhà cũ nay đã trở thành hố bom. Chị Phan Thị Thể vừa về tới nơi vội ngồi thụp xuống một hòn đá tảng, mặt biến sắc. Đó là vật duy nhất còn lại của gia đình chị. “Nước lên nhanh quá. Tôi bồng con nhỏ trên tay, chỉ kịp lấy hai tấm ảnh thờ ông bà rồi bỏ chạy. Không kịp mang theo một lon gạo”- chị Thể kể.

Cuộc trở về nơi ở cũ của bà con xóm Cây Muồng đầy tiếng thở dài và nước mắt. Một xóm nhỏ nhưng có tới 14 căn nhà chỉ còn trơ nền đất...

Hàng chục vạn người dân vùng tây Quế Sơn và vùng B Đại Lộc đang lâm vào cảnh người còn, của mất. Nguy cơ thiếu đói đang hiện hữu trước mắt. Toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 60% số xã, phường bị ngập với hơn 200.000 nhà dân, trường học, bệnh xá, cơ quan... bị nhấn chìm. Nhiều địa phương dọc sông và vùng núi xa có thể bị cô lập dài ngày. Trên 200.000 dân cần được cứu trợ gấp lương thực. Tỉnh Quảng Nam đã quyết định mở tất cả các kho dự trữ lương thực để phát cho người dân vùng ngập lũ.

Đến chiều qua, nước các sông ở Thừa Thiên-Huế đã xuống trên mức báo động hai nhưng hơn 60.000 ngôi nhà của 70 xã vẫn còn ngập trong nước. Các tuyến đường xuống huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà vẫn bị chia cắt, cô lập. Bốn phường nội thành của thành phố Huế vẫn chìm trong nước lũ. Các tuyến đường nội đô đều tràn ngập bùn, dày từ 0,3 m đến 0,5 m, có nơi dày gần 1 m, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.

Nỗ lực cứu trợ

UBND các tỉnh đã yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt.

Người dân xã Phú Hồ, huyện Phú Vang nhận chăn màn, gạo cứu trợ. Ảnh: HÀ LINH

Tại Huế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đến tận các vùng ngập lũ để khẩn trương cứu trợ gạo, chăn ấm cho đồng bào các xã thuộc hai huyện Phong Điền, Phú Vang. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đến vùng rốn lũ huyện Quảng Điền thăm và tặng quà cho dân vùng lũ bị cô lập ba ngày nay. Trên 1.000 chiến sĩ công an của tỉnh đã về các địa phương hỗ trợ di dời hơn 16.000 nhân khẩu ở những nơi xung yếu, vùng ven đầm phá và những nơi có nguy hiểm.

UBND TP Đà Nẵng tiếp tục cấp 100 tấn gạo cứu đói cho người dân các quận, huyện bị ngập lũ. Thành phố cũng huy động 13 xe cấp nước, xe chữa cháy... lấy nước sạch từ nhà máy nước Cầu Đỏ liên tục cấp phát nước cho người dân cho đến khi nước lũ rút hẳn.

Ông Trương Ngọc Nhi, Chủ tịch tỉnh cho biết dự kiến Bộ Quốc phòng sẽ lập cầu hàng không chuyển 2,5 tấn hàng cứu trợ lên thôn Gỗ và thôn Trà Cát, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, nơi bị cô lập hơn 45 ngày qua do nứt núi và mưa lũ kéo dài. Trong đợt lũ kéo dài từ ngày 10 đến 14-11, toàn tỉnh Quảng Ngãi có tám người chết và một mất tích. Hệ thống giao thông trong tỉnh bao gồm đường liên huyện, liên xã và nhiều đoạn trên quốc lộ 1A bị nước xói làm hư hỏng nặng.

Tại tỉnh Bình Định, tính đến chiều qua (14-11), nước lũ tiếp tục đổ dồn về đã làm ngập và cô lập hoàn toàn nhiều xã khu đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Đã có thêm sáu người chết nước và một người bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy xác.

Bơi vào rốn lũ Vu Gia

Nước thượng nguồn đã rút, nhưng hôm qua (14-11), ba xã thuộc vùng hữu ngạn phía hạ nguồn sông Vu Gia, huyện Đại Lộc vẫn bị chia cắt. Gần 11 giờ trưa, sau khi xuôi từ Ái Nghĩa, chúng tôi bị nước ách lại khi qua đoạn rẽ từ Hà Nha. Nước khá xiết, còn ngập sâu các bãi bồi trồng chuối ven sông nhưng đã có sáu chiếc đò máy bất chấp chở khách. Hai phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM là những hành khách duy nhất có áo phao.

Chị Hà chủ đò phân trần: “Tui không chạy thì bà con biết đàng mô mà mua lương thực”. Chị cho biết đã bốn ngày nay, người dân ở Đại Lãnh, Đại Hưng không có cái ăn. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ tới việc con đò gặp sự cố mà không có phương tiện cứu hộ.

Sau gần một giờ bơi đò dọc Vu Gia, chúng tôi tiếp cận được thôn Hòa Hiệp Đông của xã Đại Lãnh. Nước đã rút ra khỏi nhà dân nhưng các xóm nhỏ gần vách núi vẫn bị cô lập từng cụm vì nước nội đồng vẫn còn rất lớn.

Ngược lên Đại Hưng theo tỉnh lộ 906, nước đã rút, để trơ ra trên đường nhiều ổ voi, xe máy phải dắt bộ. Ngay trung tâm xã, dãy nhà của Trường mẫu giáo và tiểu học Đại Hưng bị lũ phá tan. Hơn 200 học sinh chưa biết khi nào mới có thể trở lại trường.

Gần hai giờ chiều, cả xã Đại Hưng nhốn nháo, í ới gọi nhau khi chuyến trực thăng đầu tiên thả hàng cứu trợ bắt đầu hạ độ cao tại thôn 4. Hàng trăm người cùng lao ra. Mì gói và nước lọc được thả xuống. Nhiều người bị cát văng đầy mặt nhưng không lấy được món hàng nào đành nhận lại vài gói mì của những láng giềng may mắn hơn... Liệu ngày mai họ sẽ ấm lòng hơn?

Gần bốn vạn căn nhà ven Vu Gia đã lút nóc, cả trăm tỷ đồng của người dân chìm trong lũ. Nhưng không ai dám chắc đó là con số cuối cùng khi phía sâu trong tâm lũ Vu Gia vẫn còn những làng quê chưa thể đặt chân...

VIỄN SỰ - TẤN VŨ

Áp thấp đang vào biển Đông: Cảnh giác với một đợt lũ mới

Mưa vẫn tiếp tục tại miền Trung khiến nước trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam vẫn trên báo động hai. Nước sông Kôn tại Thạch Hòa (Bình Định) lên xấp xỉ báo động ba.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo cuối tuần này (từ ngày 18 đến 20-11), do ảnh hưởng của đới gió đông trên cao hoạt động trở lại và không khí lạnh tràn xuống, miền Trung sẽ có mưa to đến rất to, khả năng sẽ có đợt lũ mới xuất hiện.

V. SỰ

NHÓM PV- CTV MIỀN TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm