Bỏ giấy khai sinh: Án tử hình oan và nhiều người thoát tội?

  

Bỏ giấy khai sinh thay bằng thẻ căn cước công dân

Cụ thể, theo dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, khi khai sinh cho trẻ chỉ cần đăng ký khai sinh là xong chứ không phải cấp giấy khai sinh (bản chính) như bấy lâu nay nữa. Và khi cần thực hiện các giao dịch pháp lý liên quan (bảo hiểm y tế cho trẻ, thừa kế,…) cơ quan chức năng sẽ trích lục giấy khai sinh theo yêu cầu để làm căn cứ. Như vậy khi trẻ chào đời được đăng ký khai sinh, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ nhập dữ liệu thông tin (họ tên và ngày tháng năm sinh của trẻ, tên và nơi cư trú của cha mẹ…) vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và phối hợp với cơ quan công an cấp số định danh cá nhân (IP). Khi trẻ dưới 15 tuổi có phát sinh giao dịch hành chính, pháp lý sẽ sử dụng trích lục giấy khai sinh làm căn cứ, đến 15 tuổi sẽ được cơ quan công an cấp thẻ CCCD sử dụng. Số IP trên khai sinh của trẻ cũng chính là số thẻ CCCD được cấp sau này, lúc đó hồ sơ của công dân trên CSDLQG về dân cư sẽ được cập nhật thêm một số thông tin về nhận dạng.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày dự thảo Luật Hộ tịch.
Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, dự thảo Luật CCCD do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày lại quy định cấp thẻ CCCD ngay từ khi làm thủ tục khai sinh cho trẻ mới sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Thẻ CCCD cấp cho trẻ mới sinh có các thông tin cơ bản (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú…) và có ghi mã số công dân nằm trong CSDLQG về dân cư nhưng chưa có những thông tin nhận dạng (hình ảnh, vân tay) vì trẻ phát triển thay đổi từng ngày. Và khi công dân đủ 15 tuổi thì phải đổi thẻ CCCD mới, trong đó có cập nhật hình ảnh, vân tay của công dân.

Do hai dự thảo luật nối kết quản lý thông tin của công dân nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đề xuất trình Quốc hội xem xét cả hai phương án: 1- Đăng ký khai sinh và cấp trích lục khai sinh cho trẻ sử dụng đến đủ 14 tuổi, đến 15 tuổi sẽ cấp thẻ CCCD lần đầu. 2- Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ cấp ngay thẻ CCCD sử dụng đến đủ 14 tuổi rồi đổi thẻ CCCD mới.

Lo ngại nhiều hệ lụy khi bỏ giấy khai sinh

Gửi bình luận về PLO xung quanh những nội dung trên, bên cạnh một số ý kiến ủng hộ thì có nhiều ý kiến bạn đọc tỏ ra lo ngại về những hệ lụy khi chúng ta bỏ giấy khai sinh.

Theo bạn đọc Diệp Kiến, khai sinh ghi đầy đủ thông tin về nhân thân hơn CMND. Làm khai sinh cho trẻ mới sinh là hợp lý, và phải giao cho gia đình giữ 1 bản. “Không giao cho gia đình nếu cơ quan nhà nước làm mất thì làm thế nào, đi kiện à. Cái độc đáo của khai sinh là không làm giả được, bọn lừa đảo rất sợ, còn CMND thì khỏi phải nói. Đề nghị nhà nước xem xét lại”- bạn đọc này nêu ý kiến.

Cùng quan điểm muốn giữ giấy khai sinh, bạn đọc Đào Đức Trường cho biết ở nước ngoài hệ thống dữ liệu về hộ tịch rất tốt nhưng người ta vẫn cấp giấy khai sinh.

Theo bạn đọc Trường, nếu Việt Nam không cấp giấy khai sinh thì sau này sẽ xảy ra nhiều rắc rối, nhất là trong việc chứng minh độ tuổi của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

“Nếu việc nhập dữ liệu vào máy có sai sót dẫn đến sai ngày sinh tháng đẻ của trẻ sơ sinh thì làm sao bố hoặc mẹ trẻ sơ sinh biết mà khiếu nại? Nếu nhập dữ liệu sai thì có thể dẫn đến trường hợp có thể bị án tử hình oan: đáng lẽ nếu nhập đúng ngày tháng năm sinh thì tính đến ngày bị can phạm tội thì bị can đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc không bị áp dụng hình phạt là tử hình. Tuy nhiên do nhập sai dữ liệu nên người phạm tội bị xử lý trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng án tử hình. Trong trường hợp bố mẹ người đó đưa ra tài liệu chứng minh được (giấy chứng sinh) để cho rằng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu sai thì giải quyết thế nào? Mặt khác, về kỹ thuật cũng có thể sửa đổi lại thông tin về ngày tháng năm sinh để giúp cho bị can bị cáo thoát khỏi trách nhiệm hình sự…”- bạn đọc Trường phân tích.

Bạn đọc Nguyễn Đình Thoại cũng cho rằng nên cấp Giấy khai sinh bản chính cho trẻ mới sinh, khi cần cha mẹ của trẻ có thể tự sao y mà không cần phải làm thủ tục xin cấp trích lục vì người dân thường rất khó khăn khi tiếp cận các thủ tục hành chính.

 

Theo ý kiến của tôi, để tránh nặng nề về thủ tục hành chính thì chúng ta nên bỏ cấp giấy khai sinh bản chính vì khi sinh ra chúng ta cấp thẻ CCCD thì mọi dữ liệu nó nằm trong đó. Nhưng chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ cho việc cấp thẻ CCCD của trẻ dưới 14 tuổi.

Còn việc cấp giấy đăng ký kết hôn thì chúng ta vẫn giữ nguyên như hiện nay là cấp giấy. Tuy nhiên chúng ta nên làm cho nó trang trọng thêm một chút vì đây là niềm vui và hạnh phúc của mọi người, chứ như bây giờ khi ra UBND xã/phường để nhận giấy tôi thấy nó nhạt nhẽo quá.

Hoàng Văn Bằng 

***

Theo lộ trình, dự thảo Luật Hộ tịch sẽ được trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào tháng 5 tới. Cũng trong kỳ họp này, QH sẽ cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Căn cước công dân. Người dân mong rằng các nhà làm luật sẽ thảo luận thật kỹ để chọn được phương án hợp lý nhất và khả thi trong thực tế, tránh tình trạng “đem dân ra thí điểm, gây tốn kém lãng phí” như bạn đọc Binh cảnh báo.

PLO (Tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm