Cấp thẻ căn cước, không cấp giấy khai sinh nữa?

Trẻ mới sinh sẽ được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) hay chỉ đăng ký khai sinh rồi trích lục làm căn cứ khi thực hiện các giao dịch liên quan? Vấn đề này đã trở thành tâm điểm “nóng” tranh luận trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24-4 khi thảo luận cho ý kiến về hai dự thảo Luật Hộ tịch và Luật CCCD.

Theo dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, khi khai sinh cho trẻ chỉ cần đăng ký khai sinh là xong chứ không phải cấp giấy khai sinh (bản chính) như bấy lâu nay nữa. Và khi cần thực hiện các giao dịch pháp lý liên quan (bảo hiểm y tế cho trẻ, thừa kế,…) cơ quan chức năng sẽ trích lục giấy khai sinh theo yêu cầu để làm căn cứ. Như vậy khi trẻ chào đời được đăng ký khai sinh, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ nhập dữ liệu thông tin (họ tên và ngày tháng năm sinh của trẻ, tên và nơi cư trú của cha mẹ…) vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và phối hợp với cơ quan công an cấp số định danh cá nhân (IP). Khi trẻ dưới 15 tuổi có phát sinh giao dịch hành chính, pháp lý sẽ sử dụng trích lục giấy khai sinh làm căn cứ, đến 15 tuổi sẽ được cơ quan công an cấp thẻ CCCD sử dụng. Số IP trên khai sinh của trẻ cũng chính là số thẻ CCCD được cấp sau này, lúc đó hồ sơ của công dân trên CSDLQG về dân cư sẽ được cập nhật thêm một số thông tin về nhận dạng.

 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày dự thảo Luật Hộ tịch. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, dự thảo Luật CCCD do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày lại quy định cấp thẻ CCCD ngay từ khi làm thủ tục khai sinh cho trẻ mới sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Thẻ CCCD cấp cho trẻ mới sinh có các thông tin cơ bản (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú…) và có ghi mã số công dân nằm trong CSDLQG về dân cư nhưng chưa có những thông tin nhận dạng (hình ảnh, vân tay) vì trẻ phát triển thay đổi từng ngày. Và khi công dân đủ 15 tuổi thì phải đổi thẻ CCCD mới, trong đó có cập nhật hình ảnh, vân tay của công dân.

Do hai dự thảo luật nối kết quản lý thông tin của công dân nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đề xuất trình Quốc hội xem xét cả hai phương án: 1- Đăng ký khai sinh và cấp trích lục khai sinh cho trẻ sử dụng đến đủ 14 tuổi, đến 15 tuổi sẽ cấp thẻ CCCD lần đầu. 2- Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ cấp ngay thẻ CCCD sử dụng đến đủ 14 tuổi rồi đổi thẻ CCCD mới.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa nhận xét: Tuy dự thảo Luật Hộ tịch không quy định về việc cấp giấy khai sinh (bản chính) nhưng vẫn quy định thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan quản lý hộ tịch và cấp trích lục khai sinh cho công dân khi có yêu cầu. Vì vậy các quy định này cần được cân nhắc, nếu đã quy định về việc cấp thẻ CCCD ngay từ khi mới sinh ra thì cần kết hợp khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin vào CSDLQG về dân cư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu báo cáo kinh nghiệm các nước trên thế giới về thời điểm cấp thẻ CCCD thế nào. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: “Có hơn 100 nước cấp thẻ CCCD từ đủ 14 tuổi, chỉ khoảng năm nước cấp thẻ CCCD từ khi sinh ra”. Theo ông Tụng, do thẻ CCCD của trẻ dưới 15 tuổi chưa có ảnh và vân tay để nhận dạng nên nếu cấp ở độ tuổi này thì chưa phù hợp, chi phí làm thẻ rất tốn kém rồi đến 15 tuổi phải đổi thẻ thì lãng phí, tốn kém không cần thiết”. Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương bày tỏ: “Tôi ủng hộ phương án nào đơn giản, ít tốn kém”.

Tạm gút lại vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Dự thảo Luật CCCD thay đổi rất mới, quy định cấp thẻ CCCD ngay từ khi sinh ra, bỏ giấy khai sinh thì cần rà soát thống nhất giữa hai luật này. Tôi ủng hộ phương án không cấp giấy khai sinh nữa mà cấp thẻ CCCD. Vấn đề này sẽ báo cáo chủ tịch Quốc hội kết luận chính thức sau”.

BÌNH MINH

 

Không cần cấp bản chính khai sinh, hôn thú?   

Dự thảo Luật Hộ tịch quy định khi đăng ký hộ tịch, người dân sẽ được cấp trích lục hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử…) theo yêu cầu mà không cấp bản chính vì mọi thông tin đã nhập vào hệ thống CSDLQG. Như thế vừa bỏ áp lực cho người dân trong việc lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch và cắt giảm được kinh phí in, phát hành biểu mẫu giấy tờ hộ tịch hằng năm.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị cân nhắc lại dự thảo quy định trên vì chỉ phù hợp sau khi hoàn tất việc xây dựng CSDL hộ tịch điện tử và vận hành thống nhất trong cả nước. Còn trong giai đoạn quá độ trước mắt, nếu thực hiện quy định mới này thì việc xin cấp trích lục sẽ khó, nhất là trường hợp công dân thay đổi nơi cư trú. Chưa kể một số sự kiện quan trọng như khai sinh, kết hôn thì người dân có nhu cầu lưu giữ bản chính trang trọng, sử dụng lâu dài và thuận tiện khi có nhu cầu. Do đó nên kế thừa quy định pháp luật hiện hành cấp bản chính hộ tịch trong một số trường hợp để khi cần sử dụng người dân có thể tự in sao, chứng thực mà không nhất thiết phải xin trích lục tại nơi đăng ký hộ tịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình: “Nên cấp bản chính khai sinh, chứng nhận đăng ký kết hôn vì có ý nghĩa nhân thân quan trọng, tạo thuận lợi cho công dân, nên giữ theo quy định hiện hành”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm