Đập bỏ trước, ra quyết định sau

Gửi thư đến báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Định (ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ánh: Ngày 21-3-2011, ông được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại xã trên. Trong quá trình xây dựng, ông tự xây thêm một phần tường rào phía sau (cũng trên đất ở) nhưng không lợp mái che để bảo vệ một số tài sản cá nhân như máy giặt, máy bơm nước và để phơi quần áo.

Không cho tự tháo dỡ

Ngày 1-6, có bảy người xưng là thanh tra xây dựng xã đã đến nhà ông Định đập phá tường rào trên. Đáng lưu ý là trước đó ông không bị xã lập biên bản vi phạm, không được cho thời gian tự tháo dỡ, không hề có quyết định cưỡng chế công trình xây dựng không phép.

Ông Trương Thái Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND huyện, khi phát hiện trường hợp xây dựng trái phép thì xã phải tháo dỡ ngay, sau đó củng cố hồ sơ và ra quyết định. Sau nhiều lần nhắc nhở, lưu ý hộ ông Định không được xây dựng sai phép nữa nhưng ông không chấp hành nên xã đã tiến hành tháo dỡ. Ba ngày sau khi tháo dỡ, xã đã ra quyết định cưỡng chế nhưng chỉ để lưu chứ không giao cho đương sự”.

Đập bỏ trước, ra quyết định sau ảnh 1

Phần tường rào còn lại của hộ ông Định sau bị thanh tra xây dựng xã Tân Kiên cưỡng chế. Ảnh: KP

Chủ trương của huyện?

Ông Huỳnh Văn Hải, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện Bình Chánh, xác nhận: “Huyện có chủ trương tháo dỡ ngay từ đầu đối với công trình xây dựng trái phép và đã tổ chức thực hiện từ năm 2008 đến nay. Lúc đầu đơn vị chúng tôi chỉ đề xuất áp dụng ở ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng là những nơi thường xảy ra vi phạm xây dựng. Nhưng ý kiến của lãnh đạo huyện là phải áp dụng cho tất cả các xã, thị trấn của huyện”.

Cũng theo ông Hải, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh rất nóng, trung bình mỗi tháng có khoảng 100 vụ và có nhiều trường hợp chỉ trong đêm đã hoàn thành một căn nhà. Nếu làm đúng theo Nghị định 180/2007 của Chính phủ (lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ, cưỡng chế) thì phải mất hơn năm ngày, đồng thời còn gây tốn kém kinh phí cưỡng chế.

Nói là chủ trương của huyện nhưng được thể hiện ở văn bản nào và ai ký ban hành? PV đã tiếp tục liên hệ với chủ tịch UBND huyện để làm rõ việc này nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, theo khẳng định của ông Ngô Công Minh (Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc) và ông Phan Ngọc Lẫm (Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A) thì hai xã này luôn làm theo đúng trình tự luật định (tức có dành thời gian cho chủ nhà tự tháo dỡ phần diện tích vi phạm).

Phải đảm bảo quy trình

Nếu số lượng nhà xây trái phép ở các nơi khác được tính theo đơn vị chục, trăm thì ở huyện Bình Chánh lại là đơn vị ngàn/năm. Năm 2009, huyện này có 1.502 vụ vi phạm, năm 2010 có 1.347 vụ vi phạm. Có lẽ vì đặc thù này mà một số xã của huyện Bình Chánh đã phải cưỡng chế “nóng” (tháo dỡ trước, ra quyết định sau).

Hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn nêu trên của huyện nhưng theo PV, các xã nên cố gắng thực hiện đúng theo Nghị định 180/2007 để hạn chế những khiếu nại, thậm chí là khiếu kiện không đáng có. Lãnh đạo huyện cần sớm xem xét, chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng mỗi xã một kiểu.

KIỀU PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm