Không bán được nhà vì lỗi trên trời rơi xuống

Ngày 30-5, vợ chồng anh PHB (Tân Bình) mua một căn nhà tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ngày 26-7, vợ chồng anh được cập nhật tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giữa tháng 9, anh B. muốn bán nhà nhưng khi đến Phòng công chứng (PCC) số 4 thì bất ngờ bị từ chối công chứng với lý do “có công văn của CSĐT quận 3”.

Rắc rối từ chứng minh nhân dân giả

Anh B. bức xúc: “Tôi quá bất ngờ vì nếu có vấn đề gì thì tại sao PCC, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trước đây làm các thủ tục mua bán cho tôi vẫn bình thường. Tôi đến khiếu nại tại Cơ quan CSĐT quận 3 thì mới biết người chủ cũ (cách ba lần đổi chủ) có đơn tố cáo về việc giả giấy tờ để thực hiện giao dịch tặng cho căn nhà này. Việc này là lỗi của người khác, tôi đã mua bán hợp pháp thì phải được bảo vệ, sao lại hạn chế quyền lợi của tôi đối với chính căn nhà do mình sở hữu?”.

Trong công văn trả lời khiếu nại của anh B., Công an quận 3 cho biết căn nhà trước đây thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông N. Tháng 7-2016, có người đến khóa cửa và thông báo với ông N. là căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của ông nữa. Công an điều tra và phát hiện ngày 17-10-2014 có một người đàn ông (không rõ lai lịch) sử dụng CMND giả ông N. để ký hợp đồng tặng cho căn nhà cho vợ ông N. Sau đó vợ ông N. một mình đứng bán nhà cho người khác. Vụ án này đã được khởi tố hình sự.

Ngày 9-3, cơ quan CSĐT có Công văn 99 gửi các cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả điều tra liên quan đến việc sang tên bất hợp pháp căn nhà trên để có biện pháp phòng ngừa.

Chưa thống nhất trong cách xử lý

Công an quận 3 khẳng định Công văn 99 chỉ để thông báo, không phải công văn ngăn chặn dịch chuyển tài sản. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng PCC số 4, cho biết việc từ chối công chứng giao dịch này là có cơ sở. Lý do là trên cổng thông tin về tình trạng nhà, đất, phía cơ quan CSĐT đã xác định việc mua bán trước là do một người giả chữ ký, điều này có thể hiểu hợp đồng mua bán đời trước là vô hiệu.

Hơn nữa, với thông tin của cơ quan CSĐT có thể hiểu căn nhà trên đang có tranh chấp mà theo quy định, tài sản đang có tranh chấp thì không được chuyển dịch. Ông Cường đồng ý trong trường hợp này anh B. là người mua ngay tình và cần được bảo vệ. Phòng sẽ xem xét và hỏi ý kiến Sở Tư pháp để giải quyết.

Liên quan đến vụ việc này, bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng - Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết hiện cơ quan này đã thêm thông tin Công an quận 3 không có công văn đề nghị ngăn chặn chuyển dịch tài sản trên hệ thống thông tin.

Để làm rõ hơn, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, lý giải theo Quy chế 358 năm 2007 về quản lý, vận hành và sử dụng chương trình thông tin ngăn chặn của Sở Tư pháp thì khi có văn bản của các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các PCC không thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch về một hoặc một số tài sản nhất định thì không được chuyển dịch. Ngoài ra, đối với thông tin tham khảo, không phải là công văn ngăn chặn thì công chứng viên sẽ xem xét, quyết định việc công chứng hợp đồng, giao dịch về tài sản có liên quan theo quy định pháp luật. Như vậy, trong trường hợp anh B. thì việc có được công chứng hay không là do công chứng viên quyết định.

Thời gian qua, Sở Tư pháp nhận được nhiều văn bản của các cơ quan, tổ chức kiến nghị đối với trường hợp việc mua bán, chuyển nhượng được tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận hợp đồng mua bán và đã thực hiện đăng ký biến động hoàn chỉnh nhưng trong quá trình mua bán lại có đơn ngăn chặn vì giả mạo giấy tờ và có văn bản kết luận của cơ quan công an về việc giả mạo này. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy hợp đồng mua bán đã được công chứng theo quy định và chưa bị tòa tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, dẫn đến người mua bán sau đó vô tình vướng rắc rối. Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ và thống nhất trong giải quyết, Sở đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét để có ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm