Lỗ đậm sau khi học… làm giàu

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 7-10 có bài viết “Nở rộ khóa học làm… tỉ phú”, nêu tình trạng nhiều cá nhân xưng là chuyên gia, diễn giả mở những lớp học. Không giống với những gì mà học viên kỳ vọng khi bỏ vài chục triệu đồng, thứ họ nhận được lắm khi lại là… trái đắng.

Thua chứng khoán xiểng niểng!

Tôi chơi chứng khoán được 10 năm, tài khoản từng bốc hơi nhiều lần. Vì vậy, năm ngoái khi nghe quảng cáo đến lớp học đầu tư chứng khoán thông minh, tôi tham gia ngay. Sau khi dự buổi hội thảo miễn phí, tôi đã đóng tiền cho cả bản thân, vợ và con theo học, kỳ vọng rằng học lớp này sẽ giúp gia đình mình có thêm kinh nghiệm để chơi chứng khoán thành công hơn.

Nhưng khi áp dụng các phương thức được chỉ dạy, tôi thất bại hoàn toàn. Những gì mà tôi được chỉ dẫn chỉ là lý thuyết suông chứ hoàn toàn không có tính thực tế. Tổng số tiền bị thua lỗ lần đó lên đến hơn 1 tỉ đồng. Tỉnh hồn trở lại, tôi dám khẳng định khóa học chẳng qua chỉ là trò lừa đảo. Nó đánh vào lòng tham của con người. Không bao giờ có chuyện làm giàu dễ dàng hết, bởi biết bao chuyên gia kinh tế, chuyên gia chứng khoán học hành đào tạo bài bản mà khi gia nhập sân chơi này còn thua xiểng niểng. Những người mà ngay sau khi nghe xong buổi hội thảo miễn phí đã sẵn sàng rút tiền ra đóng thì chắc chắn không ít người trong số đó đóng vai trò “chim mồi”.

NGUYỄN NHẬT MINH (50 tuổi, quận 2, TP.HCM)

Bị “dụ” tham gia quỹ đầu tư

Khi tôi tham gia khóa học làm giàu của diễn giả TN, nhân viên của ông TN nói: “Bây giờ chị có 1 tỉ đồng đầu tư vào mã cổ phiếu nào đó, chị có thể kiếm được 2-3 tỉ đồng, đó chỉ là số lợi nhuận mà riêng cá nhân chị kiếm ra thôi. Nếu tham gia vào quỹ đầu tư do thầy TN đứng ra tổ chức, lợi nhuận nhiều hơn. Quỹ đó là do mọi người cùng nhau góp vào, ví dụ có 1 tỉ đồng, chị trích ra 200 triệu để góp vào quỹ. 200 triệu của chị, 200 triệu của em, 200 triệu của người này người kia cộng lại nó thành 10 tỉ hoặc hơn nữa, rồi mình đi… thâu tóm doanh nghiệp. Quỹ đầu tư là một cộng đồng đi thương thuyết doanh nghiệp, sẽ dễ hơn là một mình cá nhân đi thuyết phục, mình không chỉ đi mua một doanh nghiệp mà đi mua nhiều doanh nghiệp, lợi nhuận thu về vô cùng lớn, đến mức không thể tưởng tượng trong khi chị chẳng cần phải làm bất cứ cái gì cả (?). Chị chỉ cần bỏ một số vốn thôi, việc còn lại tụi em lo hết…”.

May mà tôi cảm nhận đó là cái bánh vẽ. Nhưng khi tôi áp dụng công thức được chỉ dẫn để chơi chứng khoán, gia đình tôi đã xảy ra lục đục vì không hiệu quả. Tôi cũng chứng kiến nhiều bạn của mình thất bại sau các khóa học làm giàu.

KHÁNH HUYỀN (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Khá đông người bị hút vào lớp học làm giàu. Ảnh: THÙY LINH

Đánh vào tâm lý thích ăn sẵn

Tôi chưa tham gia khóa học làm giàu nào, bởi điều tôi băn khoăn là liệu có một công thức làm giàu nào có thể áp dụng cho cả triệu người? Các khóa học đánh trúng vào tâm lý “thích ăn sẵn, đi tắt”, thích nhanh có tiền mà không phải nỗ lực, không phải dụng công sức, tư duy nhiều. Hãy thử tìm gặp các đại gia hoặc đọc sách do chính các tỉ phú thứ thiệt viết, sẽ thấy họ đều phải trải qua những thăng trầm, khổ luyện, thậm chí cay đắng mới tạo được khối tài sản. Nếu làm giàu dễ thế, tất cả đều ứng dụng cùng công thức, phương châm được học là trúng quả thì người thân trong gia đình của các diễn giả, “chuyên gia” đã có thể thành đại gia, tỉ phú hết rồi, làm sao đến lượt chúng ta?

NGUYỄN MINH HOÀNG (Quận 9, TP.HCM)

Sao quá mơ hồ!

Tối nay tôi ăn cơm vội, không ngon chút nào luôn, ăn xong tôi bật máy tính lên và viết ra ngay những dòng này.

Một người bạn của tôi bảo hãy đi học thử khóa học của thầy TL đi hay lắm. Vốn tính tò mò nên ngày cuối tuần cũng muốn đi xem thế nào. Có một bác giới thiệu năm nay 67 tuổi và nói tôi vừa bán nhà hôm qua, nhà có giá gần 2 tỉ đồng nhưng phải bán vội vì muốn làm một công dân toàn cầu giống thầy. Một chị khác đứng lên rơm rớm nước mắt, em muốn theo thầy học nhưng em đang mang bầu. Ông L. bèn nói: “Sang năm tôi còn tăng khóa học này lên ba lần nữa em biết không? Các bạn có biết nếu chưa tăng khóa học lên ba lần là bao nhiêu không, hơn 100 triệu đồng”. Có anh đứng lên nói: “Em không đủ tiền”, bèn bị ông L. dồn: “Tại sao không thay đổi ngay và luôn”. Âm thanh ông ấy phát ra tạo hưng phấn cao độ, thôi thúc một số người chạy xuống dưới đăng ký vội, anh chàng kia cũng thế… Cái ông L. chia sẻ về sức khỏe hoặc lên tinh thần, tạo hưng phấn thì không ai phủ nhận, nó tốt, tôi cũng học được một ít. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là liệu có nên bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đi học những thứ mà mình chưa biết nó là gì? Quan điểm cá nhân tôi là khi ta mua một cái gì thì phải biết nó như thế nào. Tại sao ta đã bước vào thế kỷ 21 rồi mà còn những con người dại dột, mơ hồ đến như vậy?

TUNGDK1 (Thành viên diễn đàn Otofun)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…