Thừa phát lại sẽ giúp thu thập chứng cứ

A đang cho thuê nhà (không quy định thời hạn) và giờ muốn lấy lại nhà để bán. Để tránh rắc rối, A phải báo cho bên thuê biết trước sáu tháng và chắc chắn rằng bên thuê không có ý định mua nhà. Nhưng phải thực hiện việc thông báo đó như thế nào thì A lại lúng túng...

B vừa lập hợp đồng ủy quyền (không có thù lao) cho người quen đi làm giùm “giấy hồng”. Muốn cắt hợp đồng này nhưng B chưa biết phải làm sao vì theo luật định, bên ủy quyền có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền trong một thời hạn hợp lý. Thời hạn hợp lý là bao lâu, hình thức thông báo ra sao?

Sau một hồi chạy tới chạy lui, cả hai mới được một công chứng viên linh động tháo gỡ bằng cách mời bên thuê đến cơ quan công chứng để làm giấy từ chối mua; yêu cầu bên ủy quyền gửi thư bảo đảm có hồi báo...

Lần đó, C “toát mồ hôi hột” khi tại phiên tòa sơ thẩm, chủ nợ chối phăng đã cho vay lãi nặng. Giấy nợ chỉ ghi số nợ cụ thể và theo chủ nợ thì lãi suất cho vay chỉ là 1% nhưng thực sự chủ nợ thu lãi đến 3%. Biết thế nào cũng có chuyện cãi tới cãi lui, C đã tự thu âm những cuộc nói chuyện giữa đôi bên về lãi suất. Nhưng theo chủ nợ thì đó là đoạn băng ghép, có sự gài bẫy... và tòa sơ thẩm đã đồng ý với lập luận này để bác đơn khởi kiện của C. Lên tòa phúc thẩm, sau nhiều lần kiên trì thuyết phục tòa giám định cuộn băng, C mới được tính lại mức lãi suất theo đúng quy định.

Về nguyên tắc, các đương sự khi kiện dân sự phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng cứ có thể được thu thập từ các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; các vật chứng v.v... Nghe thì đơn giản vậy nhưng để được tòa đồng ý xem đó là chứng cứ thì cực kỳ phức tạp. Chẳng hạn, các tài liệu nghe được, nhìn được chỉ được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó... Trong nhiều trường hợp, các đương sự đã lén ghi âm, ghi hình, thực tế giao dịch lại không trùng khớp với giấy tờ nên làm sao chứng minh được có sự liên quan?

Nếu có lực lượng thừa phát lại (TPL) thì sự thể sẽ khác hẳn. TPL sẽ làm trung gian để thực hiện các việc thông báo, ghi nhận nội dung giao dịch giữa các bên. Văn bản do TPL lập có giá trị chứng cứ và các đương sự có thể nộp chúng cho tòa, giúp tòa có thêm cơ sở xét xử đúng đắn vụ án, hạn chế những phiền phức không đáng có.

Không chỉ có án dân sự, TPL cũng giúp các bị can, người bị hại... đỡ nhọc nhằn trong các vụ án hình sự. X bị truy tố ra tòa vì có hành vi đánh người hàng xóm. Thực ra người hàng xóm này cũng quá đáng, từng quậy phá X và đã bị xã lập biên bản vi phạm hành chính. Hành vi phạm tội của X xuất phát từ chỗ “bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại” và như vậy X đã có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Để chứng minh cho việc này, gia đình X đã phải kỳ công đi năn nỉ xã và cả huyện trích lục biên bản nói trên... Nếu có TPL, chính TPL sẽ có mặt vào lúc cần thiết để lập biên bản ghi nhận sự việc, miêu tả các tình tiết liên quan... Bấy giờ, những bị cáo như X có thể dùng các biên bản đó để xin giảm nhẹ tội do chứng minh được phía người bị hại cũng có lỗi.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, sẽ rất bị động cho tất cả các bên nếu pháp luật chỉ sử dụng các loại giấy tờ của các cơ quan nhà nước, cơ quan điều tra... Nếu có một tổ chức được đứng ra lập vi bằng, nôm na là lập biên bản làm chứng cứ thì sẽ rất hữu ích. Với nhiệm vụ lập chứng cứ, TPL sẽ tạo ra nguồn chứng cứ mới rất phong phú, đồng thời tạo ra cơ chế để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình. Nguồn chứng cứ này sẽ hạn chế được việc xét xử oan sai, đảm bảo được sự tranh tụng trước tòa. Ông Chính nói: TPL ra đời, hoạt động tư pháp sẽ rất sôi động và hỗ trợ đắc lực cho việc xét xử của tòa án.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm