Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho hay: “Hiện nay mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ, mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau… Các số/mã số trên mỗi loại giấy giờ có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau dẫn đến sự cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý…”. Theo ông Khanh, điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật Hộ tịch là cá nhân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Khi đã có số định danh, người dân đến đăng ký hộ tịch về cơ bản không cần xuất trình giấy tờ gì, chỉ cần đọc số định danh cá nhân thì cán bộ sẽ tra cứu được toàn bộ thông tin cá nhân.
Cũng tại buổi đối thoại này, có ý kiến cho rằng người chuyển giới hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khó khăn trong việc làm giấy tờ, ngay cả việc đi lại cũng thế. Trao đổi về vấn đề này, ông Khanh nói: “Việc chuyển giới, cá nhân tôi quan niệm đó là quyền của cá nhân. Quyền này lẽ ra phải được quy định trong luật nội dung là BLDS hay Luật Bình đẳng giới. Luật Hộ tịch chỉ là công cụ để bảo đảm thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, hiện nay chưa quy định vấn đề chuyển giới, chỉ quy định vấn đề xác định lại giới tính”.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện của cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khuyến nghị các điều khoản của Luật Hộ tịch cần quy định rõ ràng nội dung không phân biệt đối xử trên cơ sở giới và giới tính.
Theo bà Shoko Ishikawa, khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh sự bảo vệ của pháp luật cần được mở rộng với hình thức chung sống thực tế nhằm bảo vệ quyền của những người tham gia các quan hệ này và con của họ. “Việc không thừa nhận chung sống thực tế có thể bị coi là trái với nguyên tắc của Công ước CEDAW (Công ước của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ) do nó triệt tiêu các quyền của những người, vì lý do nào đó, đang tham gia vào hôn nhân thực tế hoặc chung sống được thừa nhận nhưng không có đăng ký kết hôn. Rộng hơn, nó có khả năng triệt tiêu quyền của tất cả những người tham gia vào chung sống thực tế hoặc hôn nhân không đăng ký, cả của các cặp đôi đồng giới và khác giới” - bà Shoko Ishikawa nói. Từ nhận định này, khuyến nghị cụ thể của Liên Hiệp Quốc là dự thảo luật cần cân nhắc áp dụng hình thức đăng ký pháp lý đối với chung sống thực tế.
ĐỨC MINH