Những khuất tất trong vụ cắt hai quả thận

Chỉ duy nhất BS Trần Văn Nguyên, trưởng kíp mổ, bị đình chỉ.

Trả lời báo chí mới đây, Hội đồng Khoa học công nghệ BV Cần Thơ cho rằng sở dĩ chị Tú bị cắt mất hai quả thận là do khâu chẩn đoán hình ảnh ban đầu sai. Một giáo sư đầu ngành y tế cho biết họ bảo chẩn đoán hình ảnh ban đầu sai tức là trách nhiệm thuộc về kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh. Điều này vô lý, có thể họ đang tìm “kẻ thế thân”. Theo vị giáo sư này, mổ cho một bệnh nhân là phải hội chẩn, có cả êkíp cùng tham gia. Trước đó, trong vụ em bé 10 tuổi chết ở Trung tâm Y tế Phù Mỹ (Bình Định), một điều dưỡng được mang ra thế thân - tức nhận trách nhiệm tắc trách về mình. Tuy nhiên, do “hợp đồng” bị phá vỡ (chị điều dưỡng bị đuổi việc) nên chị này đã tố lãnh đạo sai khiến mình sửa bệnh án…

Chưa hết, quả thận bị cắt của chị Tú có phải là thận móng ngựa không thì chỉ có êkíp mổ và lãnh đạo BV biết, còn dư luận thì mù tịt. Hình dáng trái thận móng ngựa của chị Tú chưa ai thấy cả. Lãnh đạo BV Cần Thơ cho rằng đã lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm nhưng thời gian khá lâu rồi mà kết quả xét nghiệm vẫn chẳng thấy đâu. Liệu mẫu bệnh phẩm này có được lưu giữ không hay nó đã theo đường xử lý rác thải y tế?

Dư luận cũng đang đặt câu hỏi: Tại sao đưa chị Tú ra tận Huế để ghép thận trong khi TP.HCM có hai trung tâm ghép thận lớn là BV Chợ Rẫy và BV 115. Đã vậy, tại sao không đưa chị Tú qua BV Trung ương Cần Thơ nằm sát đó và mời các chuyên gia đầu ngành về ghép?

Sau khi ghép thận xong, chị Tú còn phải được theo dõi thải ghép. Nếu ra Huế, ai sẽ là người chăm sóc chị Tú trong một thời gian dài ở đây; rồi đường xa, đi lại khó khăn, việc nhà, con cái chị Tú ai sẽ chăm sóc? Trong khi đó, nếu ghép ở Cần Thơ hoặc TP.HCM, người thân có thể thay phiên nhau đến BV chăm chị Tú thì tiện hơn nhiều.

Sau hàng loạt câu hỏi được đặt ra, rõ ràng dư luận đang rất cần câu trả lời thật sự rõ ràng trong sự việc này.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm