Bì bõm chống ngập

Hàng loạt nhà dân dọc hai bên đường 51, P.14, Q.Gò Vấp bị ngập nặng sau cơn mưa chiều 9-6 - Ảnh: Q.Khải

Trong khi các chủ dự án cho rằng phải nâng đường theo cao độ chuẩn thì nhiều hộ dân “dở khóc, dở mếu” vì không thể tự xoay xở nâng, sửa nhà cho phù hợp với cao độ mới của đường và hẻm. Vì thế ngập ngày càng trầm trọng hơn.

Làm cống mới ngập nặng hơn

Ngày 9-6, một cơn mưa kéo dài khoảng 30 phút làm cho đường số 51, P.14, Q.Gò Vấp bị ngập hơn 60cm. Nước tràn vô hàng loạt nhà dân dọc đường và những tuyến hẻm lân cận. Hầu như không một phương tiện giao thông nào có thể lưu thông qua đoạn đường bị ngập. Chị Nguyễn Thị Hợi, địa chỉ 528/18/A15, bức xúc: “Chưa bao giờ ở đây bị ngập nặng như vậy kể từ khi đường 51 được nâng lên và lắp đặt cống thoát nước mới”.

Theo chúng tôi tìm hiểu, đường cống thoát nước trên đường 51 không được làm toàn tuyến vì có hai dự án thoát nước khác nhau không được triển khai đồng bộ. Vì vậy khi mưa, nước dồn từ chỗ đã làm cống chảy tràn về chỗ chưa có cống gây ngập nặng. Một trong hai dự án đã hoàn thành từ đầu năm 2010, dự án còn lại không biết bao giờ triển khai.

“Hễ trời chuyển mưa là chúng tôi nơm nớp lo sợ, dù ở đâu, làm gì cũng phải lật đật chạy nhanh về nhà kê dọn đồ đạc, vậy mà cũng không thoát khỏi cảnh ngập” - một người dân trên đường 51 nói. Nhiều hộ dân còn cho biết khi một dự án thoát nước trên đường 51 hoàn thành, tình trạng ngập sẽ lan rộng ra các tuyến hẻm lân cận vì nền đường mới cao hơn rất nhiều so với các hẻm hiện hữu, có đoạn cao hơn 1-1,2m.

Ngày 4-6, một cơn mưa nhỏ cũng khiến đường Đinh Củng Viên, P.Phước Long A, Q.9 bị ngập hơn 20cm nhưng hàng loạt hộ dân ở dọc hai bên đường bị ngập nặng vì nền nhà thấp hơn mặt đường 30-70cm. Hệ thống thoát nước ở đây mới đưa vào hoạt động đầu năm 2010.

Chị Trần Thị Mỹ Tân, một người dân, cho biết: “Cứ nghĩ có đường cống mới sẽ không còn ngập, nhưng không ngờ chỉ một cơn mưa nhỏ đầu mùa đã ngập thê thảm như vậy. Hàng loạt vật dụng, thiết bị như máy bơm, tủ lạnh, bàn ghế... đều bị ngâm trong nước. Không biết những trận mưa lớn tiếp theo chúng tôi phải sống như thế nào nữa!?”. Người dân đã tự cứu mình bằng cách xây thêm các gờ chắn nước trước nhà nhưng không thoát khỏi cảnh ngập do nước “chui” lên từ các lỗ thoát nước bên trong nhà và tình trạng này không phải là cá biệt.

Trước đó, người dân hẻm ĐHT 27, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 từng phát hiện đơn vị thi công (thuộc dự án nâng cấp đô thị TP) lắp đặt hệ thống thoát nước trong hẻm thấp hơn 30cm so với hệ thống thoát nước trên đường Quang Trung. Vì vậy nước chảy ngược từ đường Quang Trung vào lại hẻm. Đơn vị thi công đã hứa khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Bài toán nan giải

Theo Ban quản lý dự án Q.Gò Vấp, hiện trên địa bàn P.14, Q.Gò Vấp có sáu hạng mục thuộc dự án nâng cấp đường kết hợp lắp đặt cống thoát nước liên khu phố 3-7 dài tổng cộng khoảng 1,6km. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều cao hơn so với hiện trạng từ 0,1m đến khoảng 1,2m.

Những dự án này có thể chống ngập cho một số hộ mặt tiền nhưng làm tình trạng ngập nặng và lan rộng hơn ở những tuyến hẻm lân cận do ở vùng thấp hơn. Thực tế các dự án tại đường Đinh Củng Viên (Q.9), đường 51 (Q.Gò Vấp) đã chứng minh điều này. Lo ngại những hệ lụy trên sẽ xảy ra nên tháng 3 vừa qua nhiều người dân tại KP.3 (P.14, Q.Gò Vấp) đã phản ứng, yêu cầu ngưng lắp đặt cống thoát nước mới trên tuyến đường này. Nguyên nhân khi triển khai một đoạn cống dài khoảng 200m, người dân mới biết đường cống và nền đường mới cao hơn khoảng 1,2m so với mặt đường hiện hữu.

Theo ông Đặng Công Tuấn - phó chủ tịch UBND P.14, Q.Gò Vấp - việc triển khai các dự án cải tạo đường, làm hệ thống thoát nước trên địa bàn đều căn cứ theo cao độ chuẩn +2,15. Trong khi đó, nhiều cụm dân cư trên địa bàn phường có cao độ rất thấp nên phải nâng lên cho phù hợp với cao độ trên. “Không thể làm theo cao độ hiện hữu vì như thế vài năm phải đào lên làm lại” - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, trước khi làm có họp thông báo cho dân nhưng nhiều người không hình dung được cao độ mới. Nếu tiếp tục thực hiện dự án, bao nhiêu hộ dân và hẻm lân cận bị ảnh hưởng? Ban quản lý dự án Q.Gò Vấp cho biết: “Chưa khảo sát con số cụ thể”.

Về giải pháp thoát nước trên đường 51, ông Nguyễn Hồng - phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp  - cho biết UBND P.14 đã có kế hoạch lắp đặt cống thoát nước cho đồng bộ.

Trong khi đó, ông Hồ Minh Long, phó giám đốc Ban quản lý dự án Q.9, cho biết ở đường Đinh Củng Viên có ít nhất nền nhà của năm hộ thấp hơn nền đường khoảng 0,5m, nhiều hộ còn lại thì đỡ hơn. Và nước từ đường cống chính chảy ngược vào cống phụ nhà dân do chênh lệch cao độ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ dân nâng nền nhà nằm ngoài tầm tay của ban quản lý dự án. “Trước mắt chúng tôi khai thông đường cống thoát nước trên đường Đinh Củng Viên ra một con mương thoát nước tự nhiên. Lâu dài thì phải chờ đường cống thoát nước trên đường Đỗ Xuân Hợp lắp đặt để đấu nối” - ông Long cho biết.

Việc nâng đường chống ngập, ngập nặng thêm đã từng xảy ra tại nhiều khu vực ở TP.HCM. Nhưng đến nay bài toán này vẫn chưa được những người có trách nhiệm giải quyết một cách rốt ráo. Nhiều cụm dân cư xây dựng nhà ở những khu vực trũng, thấp cũng là do công tác quản lý, quy hoạch yếu kém. Đành rằng để giải quyết hệ lụy này phải chỉnh trang đô thị theo cao độ mới, nhưng đừng để việc chỉnh trang gây thêm khó khăn cho người dân.

Dân lấy tiền đâu sửa nhà tránh ngập?

Chị Lê Thị Kim Hoa, địa chỉ 24/6X6 Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, lo âu: “Trần nhà tôi cách mặt đường hiện hữu chưa đến 3m nhưng dự kiến sau khi làm cống thoát nước, nâng đường, mặt đường mới sẽ cao thêm 1,2m nữa. Nếu tôi không nâng nhà bằng mặt đường thì sẽ bị ngập, còn nâng nền thì phải khom lưng vô nhà. Hai vợ chồng làm công ăn lương còn phải nuôi con nhỏ, kiếm đâu ra vài chục triệu để sửa nhà như thế!?”.

Một hộ dân khác bức xúc: “Nếu đường mới nâng lên cao như dự tính thì nhà tôi coi như phải đập bỏ để làm lại vì nền nhà hiện đã thấp, nền móng yếu nên không thể nâng nền và xây nhà cao thêm. Dân lao động như chúng tôi không có tiền để làm. Nếu bắt buộc phải làm, chúng tôi đành bán nhà mà không còn cách nào khác”.

Dân phải chia sẻ với Nhà nước

Ông Nguyễn Hồng, phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết “sẽ triệu tập cuộc họp với các phòng ban chuyên môn để xem xét kỹ trước khi đưa ra hướng xử lý”. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân, ông Hồng cho rằng: “Phải tiếp tục triển khai dự án. Việc nâng nền, sửa nhà thì người dân phải chia sẻ với Nhà nước”.

Theo QUANG KHẢI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm