Khu đất 164 Đồng Khởi: Có thể lưu giữ lại một góc!

Sở VH-TT&DL đang chuẩn bị phương án di dời trụ sở sang số 3 Phan Văn Đạt (quận 1). TP sẽ xin chủ trương bán đấu giá trụ sở hiện nay của Sở (164 Đồng Khởi, quận 1) nhằm tạo nguồn vốn đầu tư các dự án về thể dục thể thao và văn hóa. Đã có ý kiến lo ngại rất có thể trong tương lai một tòa nhà cao tầng sẽ xuất hiện ở khu đất lịch sử này. Và khi đó, cấu trúc không gian kiến trúc khu vực trung tâm TP sẽ bị ảnh hưởng.

Khu đất 164 Đồng Khởi: Có thể lưu giữ lại một góc! ảnh 1

Khu đất 164 Đồng Khởi, quận 1. Ảnh: V.HOA

Có thể chỉ giữ dấu ấn công trình cũ

. Phóng viên: Theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào đối với công trình 164 Đồng Khởi?

Khu đất 164 Đồng Khởi: Có thể lưu giữ lại một góc! ảnh 2
+ KTS Nguyễn Trường Lưu (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TP: Công trình 164 Đồng Khởi rất có giá trị về mặt lịch sử, ghi lại dấu ấn của một thời kỳ đã qua của TP và cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan thì hiện công trình này còn giữ lại được những gì của bót Catinat ngày trước? Dấu ấn của thời bót Catinat còn đọng lại chỗ nào trong toàn bộ không gian hiện hữu với công năng sử dụng hoàn toàn đối lập với thời kỳ trước? Theo tôi, gìn giữ những không gian vốn là ký ức, là hoài niệm của TP rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tùy vào từng không gian kiến trúc, chỉ tiêu quy hoạch chung của không gian đó như thế nào để có ứng xử phù hợp.

. Cụ thể là nên gìn giữ hay đập bỏ công trình này, thưa ông?

+ Phương pháp giữ lại những ký ức lịch sử cho công trình kiến trúc không phải là khó. Hà Nội có nhà giam Hỏa Lò nằm giữa trung tâm TP, có một bức tường rất cao, nằm trong một tứ giác bao quanh bởi bốn con đường. Đây là một công trình có giá trị lịch sử, cần gìn giữ. Nhưng rõ ràng Hà Nội vẫn phải phát triển, đồng thời cũng không thể giam tù ngay giữa trung tâm TP nên chính quyền phải cho đầu tư công trình mới. Giờ đây, Hà Nội Tower, một tòa nhà mang kiến trúc hiện đại, đã sừng sững mọc lên tại khu đất này. Tuy nhiên, phía đường Hỏa Lò, một mảng tường cùng một số xà lim vẫn được giữ lại và tái hiện khá sinh động. Có nhiều thủ pháp kiến trúc để giữ lại dấu ấn công trình cũ nhưng theo tôi thì đây là một cách làm hay, thông minh.

Tại thủ đô Viên của nước Áo có nhiều con phố trước đây từng là nơi ở và làm việc của các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Schubert… Những ngôi nhà này hiện nay cũng được giữ lại một góc nhỏ bên cạnh các công trình hiện đại. Chẳng hạn, nhà của Beethoven giờ chỉ còn là tấm biển ghi dòng chữ Nơi đây Beethoven đã từng sống và làm việc để người dân cũng như du khách có thể cảm nhận về quá khứ của TP này.

TP.HCM cũng vậy, cũng phải phát triển thôi. Vì thế, riêng đối với công trình 164 Đồng Khởi, chúng ta có thể giữ lại một góc hoặc một phần nhỏ nào đó để lưu dấu ấn lịch sử. Hay khi xây dựng công trình mới, ta có thể đưa vào đó một số đường nét kiến trúc của công trình hiện hữu (ở một không gian thích hợp) để tạo một không gian hoài niệm mà vẫn không làm ảnh hưởng tới tính chất, công năng và hình thức kiến trúc của công trình mới. Khi nhìn vào phần lưu giữ đó, mọi người đều có thể biết được gốc gác đặc biệt của khu vực này.

Cần có nghiên cứu tổng thể

. Nếu áp dụng cách làm này thì giữa cái cũ và cái mới liệu có “chỏi” nhau không, thưa ông?

+ Chúng ta hoàn toàn có thể giữ một hình ảnh cũ giữa một công trình với chất liệu hiện đại ở địa điểm 164 Đồng Khởi. Đừng sợ rằng nó sẽ làm hư kiến trúc của công trình hiện đại, cũng đừng ngại cái mới sẽ át cái cũ. Theo tôi, đôi khi cái cũ và cái mới còn tô điểm, bổ sung cho nhau để cùng phát huy giá trị. Vấn đề là chúng ta phải đặt vấn đề dung hòa cũ - mới ngay từ đầu để tìm ra giải pháp thích hợp nhất.

. Vậy theo ông, TP nên giữ lại góc nào của công trình 164 Đồng Khởi và đặt ở đâu?

+ Trước khi quyết định giữ cái gì và giữ như thế nào, chúng ta cần phải có sự nghiên cứu tổng thể về công trình hiện hữu. Về kiến trúc có còn cái gì của bót Catinat ngày trước không? Nếu còn thì cái gì là đặc thù, nên giữ. Còn nếu không còn gì, mình muốn giữ cái gì đó để hoài niệm thì giữ như thế nào? Theo tôi, TP nên giao “đề bài” này cho nhà đầu tư ngay từ đầu và có thể xem đây như một điều kiện quan trọng của nhiệm vụ thiết kế.

. Xin cảm ơn ông.

Khu đất 164 Đồng Khởi, quận 1 có diện tích hơn 7.000 m2, giới hạn bởi các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng. Trong đó, khoảng 5.000 m2 là trụ sở của Sở VH-TT&DL, 2.000 m2 còn lại đang là nơi sinh sống của 154 hộ dân. Khu đất này nằm gần một quần thể các công trình mang nét đặc trưng của TP như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.

Về mặt lịch sử, nơi đây nguyên là bót Catinat dưới thời Pháp thuộc. Mật thám Pháp từng cầm tù, tra tấn, giết hại nhiều tù nhân chính trị Việt Nam tại đây.

VIỆT HOA thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm