Hầu hết 15 kênh, rạch này chảy qua quận 8, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn đều đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng. Trong đó nghiêm trọng nhất là kênh B, kênh C, rạch Cầu Suối…; các dòng nước luôn đen ngòm, đầy rác và bốc mùi hôi thối. Nhiều năm qua, người dân ven các kênh, rạch này đành phải sống chung với ô nhiễm và khắc khoải mong một ngày các kênh, rạch được chỉnh trang…
Thả cá xuống, 5 phút sau cá chết nổi lên
Trong các ngày 2 và 3-8, PVPháp Luật TP.HCMđã đi qua một số kênh, rạch ở huyện Bình Chánh. Tại con kênh C chảy qua xã Tân Nhựt và xã Lê Minh Xuân, PV ghi nhận dòng nước có màu đen kịt. Dọc tuyến, mặt kênh giăng đầy lục bình, hai bên bờ ngập túi nylon, rác…
Bà Lê Thị Mỹ Xuân, một cư dân ngụ xã Tân Nhựt lâu năm, cho biết: “Do hôm qua trời mới mưa lớn xong nên kênh đỡ hôi nhiều. Cũng nhờ mỗi lần trời mưa mà cống xả ở đầu kênh mở, nước chảy ra chảy vô nên dòng kênh trong hơn một chút. Nhưng qua một, hai ngày thì nước đen lại ngay, mùi hôi thối không chịu được. Thỉnh thoảng còn có xác động vật chết, trương phình trôi dạt vô gần nhà…”. Cũng theo bà Xuân, nguyên nhân ô nhiễm nước kênh là do những doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa, những trại nuôi heo… xả thải trực tiếp ra kênh.
“Nhờ xã tuyên truyền vận động, bà con có ý thức hơn, gần đây không còn đổ rác xuống kênh. Chứ kênh đã đen hôi mà còn đầy rác nữa chắc chúng tôi không sống nổi” - chị Nguyễn Thị Hoa ngồi cạnh nói thêm.
Một đoạn kênh B với dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Trên bờ, dưới nước cũng tràn ngập rác. Ảnh: L.THOA
Gần đó, mức độ ô nhiễm của con kênh B chảy qua hai xã này cũng không khá hơn là mấy. Dòng nước đen kịt, trên bờ nhem nhuốc rác thải… Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Lê Minh Xuân, cho biết: “Cách đây chừng 5-6 năm kênh này còn có cả cá. Người ta lội xuống bắt, thậm chí còn tắm nữa. Nhưng từ khi có khu công nghiệp, nước trở nên đen ngòm, không còn ai dám lội xuống, phần thấy dơ, phần sợ hóa chất độc hại. Có người mua cá thả xuống kênh để coi chúng có sống được không thì khoảng 5-10 phút sau cá chết nổi lên mặt nước. Ai thấy cũng kinh!”.
Cũng theo ông Tư, đang mùa gió Tây Nam nên ở trong nhà không nghe mùi hôi thối. Còn vào mùa gió chướng, từ tháng 11 đến tháng 4 thì kênh B này bốc mùi rất khó chịu. “Chúng tôi ngửi được cả mùi hóa chất làm tương ớt, thuốc nhuộm vải…” - ông Tư nói.
Hằng năm, huyện Bình Chánh đều triển khai cho các xã tiến hành vớt rác, lục bình để khơi thông kênh, rạch bằng nguồn kinh phí trong chương trình nông thôn mới. Liên quan đến đề xuất của Trung tâm chống ngập TP về 15 tuyến kênh cần nạo vét thì chỉ có 1-2 tuyến thuộc quản lý của huyện, còn lại là do trung tâm chống ngập cùng các sở GTVT, NN&PTNT quản lý. Đến nay Trung tâm chống ngập TP chưa làm việc cụ thể với huyện về dự án này. Ông PHẠM VĂN HÙNG, Trưởng phòng TN&MT |
Tại xã Vĩnh Lộc B, rạch Cầu Suối còn ô nhiễm nặng hơn. Con rạch dài hơn 3 km này đầy rác, xác động vật, lục bình... Những nhà dân ven kênh hầu như đóng cửa suốt ngày vì không chịu nổi mùi hôi thối. Một người dân ở đây cho biết vào tháng 2-2017 hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên đã ra quân dọn rác, lục bình nhưng đến nay đâu lại vào đó.
Ông Lương Bách, ngụ xã Bình Hưng, than: “Nghe nói năm ngoái TP đã đồng ý chi tiền để nạo vét rạch Bà Lớn dài hơn 7 km thuộc quận 8 và huyện Bình Chánh để giảm ngập và ô nhiễm môi trường cho khu vực phía Nam TP, vậy mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Chúng tôi không biết phải sống với cảnh ô nhiễm này tới khi nào”.
Cần khẩn cấp nạo vét
Về ô nhiễm môi trường tại nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Bình Chánh, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện, cho biết nguyên nhân chính là do Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. “Bình quân mỗi năm có khoảng 30.000 dân nhập cư từ các nơi về huyện làm ăn, sinh sống. Do đó tỉ lệ nước thải và rác sinh hoạt ngày càng gia tăng. Thêm vào đó là ý thức của người dân chưa cao khiến tình trạng ô nhiễm càng nặng” - ông Hùng nói.
Còn theo đại diện Trung tâm chống ngập TP.HCM, các kênh, rạch nói trên đều có hiện trạng chung là bị bồi lắng, nhiều đoạn bị rác bồi lấp, cây cỏ và lục bình mọc dày lấn ra giữa kênh làm thu hẹp lòng kênh, cản trở dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị. Chưa hết, một số cơ sở sản xuất xả rác thải trực tiếp vào kênh, rạch gây ô nhiễm, cũng như nước thải sinh hoạt từ các nhà dân sống hai bên kênh, rạch. “Mỗi khi có mưa lớn, do dòng chảy bị tắc nghẽn nên mực nước dâng lên gây ngập lụt, tràn vào nhà dân mang theo rác thải ô nhiễm làm thiệt hại nhiều về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân trong vùng” - vị đại diện Trung tâm chống ngập TP xác nhận.
Với thực trạng trên, Trung tâm chống ngập TP cho rằng việc nạo vét, kiên cố hóa, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm 15 tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận 8, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn là rất cần thiết và cấp bách.
15 kênh, rạch cần nạo vét khẩn cấp Mới đây Trung tâm chống ngập TP.HCM đề xuất thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm 15 tuyến kênh, rạch thuộc địa bàn quận 8, các huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này gần 200 tỉ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP. Thời gian thực hiện: 2017-2019. Dự án nhằm đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng, hạn chế tình trạng ô nhiễm dọc kênh, rạch, đồng thời góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực thuộc phạm vi dự án, tham gia chung vào hệ thống chống ngập nước của TP. Rạch Cái Trung (xã Tân Kiên, Bình Chánh); rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh); nhánh rạch Bà Lớn 3, rạch Su (xã Bình Hưng, Bình Chánh và phường 6, quận 8); nhánh rạch Bồ Đề (xã Bình Hưng, Bình Chánh và phường 5, quận 8); rạch Ông Cốm (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh); kênh số 6 (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh số 9 (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh số 8 (xã Bình Lợi, Bình Chánh); kênh Xáng Ngang (xã Tân Nhựt, xã Bình lợi, Bình Chánh); kênh C (xã Tân Nhựt, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh B (xã Lê Minh Xuân, xã Tân Nhựt); kênh Liên Vùng (xã Phạm Văn Hai, xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn). Dự kiến tổng chiều dài các tuyến kênh rạch cần nạo vét hơn 64 km. |