Thực tế, nhiều hãng hàng không đã áp dụng giải pháp “bán lố” số lượng vé máy bay so với số chỗ (gọi là overbook) nhằm để tránh việc một số khách bỏ vé giờ chót. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều khách dù đã mua vé nhưng phải bị dời chuyến bay do giờ cuối lượng khách đã đủ.
Doanh nghiệp đỡ lỗ, khách thêm cơ hội
đối với hàng không giá rẻ, việc hành khách bỏ vé giờ chót không ảnh hưởng gì đến doanh thu. Tuy nhiên, với hàng không truyền thống như Vietnam Airlines thì đối với hạng vé phổ thông, hành khách bỏ chuyến vẫn giữ được vé và đổi sang chuyến bay khác. Thời hạn bảo lưu vé của hạng phổ thông lên đến 12 tháng và hành khách không mất phí.
Riêng đối với hạng vé tiết kiệm, linh hoạt thì khi hành khách bỏ vé giờ chót, nếu muốn tiếp tục bay, khách phải bỏ thêm một mức phí khoảng 600.000 đồng, cộng thêm khoản chênh lệch giữa giá vé cũ và giá vé mới (nếu có).
Theo Vietnam Airlines, tỉ lệ hành khách bỏ vé giờ chót ở Việt Nam khá cao. Cụ thể, năm 2011, tại đường bay Hà Nội - TP.HCM thì số hành khách bỏ vé giờ chót lên tới 189.000 người, tương đương 6,9% khách/chuyến bay. Còn với đường bay Đà Nẵng - Hà Nội/TP.HCM, tỉ lệ bỏ vé giờ chót cũng lên đến 130.000 khách. Trong khi đó, các hãng hàng không ở châu Âu, tỉ lệ bỏ vé giờ chót chỉ khoảng 10.000 khách/năm 2011, tức là khoảng 4% khách trên một chuyến bay.
Anh Nguyễn Bảo Giang Châu bức xúc khi bị Vietnam Airlines từ chối vận chuyển do hãng đã bán quá số chỗ. Ảnh: LÊ PHI
“Tình trạng hành khách bỏ vé giờ chót có thể khiến các hãng hàng không thiệt hại lên đến hàng triệu USD” - một đại diện Vietnam Airlines cho biết. Từ đây, chính sách bán lố số vé được các hãng hàng không coi là giải pháp để giảm bớt thiệt hại. Việc này cũng được các hãng hàng không trên thế giới áp dụng khá nhiều.
Bên cạnh đó, một đại diện Vietnam Airlines khẳng định việc triển khai chính sách overbook không phải là mục đích để tối đa hóa lợi nhuận của các hãng hàng không, mà muốn tạo điều kiện để hành khách có thêm cơ hội bay vì tỉ lệ hành khách bỏ vé giờ chót ở các chuyến bay của Việt Nam còn khá cao.
Không cảnh báo trước rủi ro
Việc các hãng hàng không chọn giải pháp overbook là điều ngành hàng không đã chấp nhận từ lâu nay. Thế nhưng đi kèm với giải pháp này cũng có những rủi ro, như việc không được bay đúng chuyến. Điều đáng nói là ở Việt Nam, các rủi ro này không được thông báo minh bạch, rõ ràng. Khách mua phải vé overbook đến giờ chót, chuẩn bị lên máy bay thì mới được biết.
Trên hệ thống bán vé của các hãng cho phép tình trạng bán quá số chỗ nhưng không có một thông báo (hay lưu ý) nào. Vì vậy, chỉ có hãng hàng không mới nắm được tình trạng vé của hành khách. Đáng nói hơn, các hãng cũng sẽ không “tiết lộ” chuyện này.
Vậy nên khi hành khách ra làm thủ tục lên máy bay, nếu may mắn có người bỏ bay giờ chót thì khách mua phải vé overbook được đi đúng hành trình. Trường hợp tất cả hành khách mua vé trước đều không bỏ vé giờ chót, khi hành khác vỡ lẽ mình mua phải vé overbook thì đã quá muộn, họ phải bay chuyến tiếp theo.
Đền bù thiệt hại không xứng đáng
Mới đây tại Đà Nẵng, hành khách Nguyễn Bảo Giang Châu (TP.HCM) đã bày tỏ bức xúc với hãng hàng không Vietnam Airlines, khi hãng này đã từ chối vận chuyển với lý do anh thuộc diện mua vé overbook.
Tuy nhiên, theo anh Châu, anh đã đặt mua vé máy bay chiều Đà Nẵng - TP.HCM từ trước tết. Khi đến làm thủ tục để bay thì anh không được nhân viên của Vietnam Airlines cho lên máy bay với lý do đã hết chỗ. anh Châu được hãng này sắp xếp bay vào chuyến sau và bồi thường 300.000 đồng. Anh Châu không đồng tình và đề nghị trả thêm 300.000 đồng nếu được bay vào đúng chuyến mà anh đã mua nhưng không được chấp nhận.
Cũng theo anh Châu, lý do mà anh bức xúc là mức bồi thường của Vietnam Airlines không tương xứng với thiệt hại mà anh đã bị mất, vì anh Châu đã lỡ cuộc họp quan trọng của công ty.
Ngay sau đó, đại diện của Vietnam Airlines tại Đà Nẵng đã có lời xin lỗi đến hành khách. Đại diện Vietnam Airlines cho biết mức bồi thường 300.000 đồng là mức quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Vị này cũng không bình luận thêm liên quan đến mức bồi thường này.
MAI PHƯƠNG
Các nước đền bù vé overbook rất cao Một vị lãnh đạo của một hãng hàng không trong nước kể ở nhiều nước, khi hàng không từ chối vận chuyển, hành khách ngoài việc được lo ăn ở thì họ còn được bồi thường một khoản tiền lớn nên họ rất vui vẻ. Có hành khách chỉ mua chuyến bay đó với giá 100 USD nhưng do hãng từ chối vận chuyển nên họ được bồi thường lên đến 500-600 USD. Mức bồi thường của một số hãng hàng không tại châu Âu khi từ chối vận chuyển có khi lên tới 600 euro. Ngoài ra, có nhiều hãng nếu không bồi thường bằng tiền mặt thì họ có thể bồi thường bằng cách tặng vé máy bay cho khách. Kêu gọi tình nguyện viên nhường ghế Nhiều hãng hàng không châu Âu khi gặp phải vé overbook thì trước hết họ kêu gọi khách hàng nào có thể làm “tình nguyện viên” nhường chuyến bay (cho các trường hợp khẩn cấp hơn). Đổi lại, tình nguyện viên được xếp chuyến bay khác cùng với những lợi ích kèm theo như miễn phí chuyến bay vào ngày hôm sau, nâng cấp hạng vé hoặc dùng đường bay khác đưa khách đến nơi họ yêu cầu. Tất nhiên, tiền vé sẽ được hoàn trả cho tình nguyện viên. Giải pháp này có thể giúp nhiều trường hợp mua vé overbook vẫn được bay, đảm bảo tiến độ, không bị thiệt hại. Đ.TH |