Chứng khoán ngày 5/6: Tín hiệu tích cực về lạm phát

Lạm phát có những tín hiệu tích cực, xoa dịu bớt mối quan ngại lớn nhất hiện nay của nhà đầu tư chứng khoán.

Trên một số báo ra ngày hôm nay đề cập đến tín hiệu giảm giá dần ở các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm, sắt thép, xi măng… Đây là những mặt hàng có ảnh hưởng lớn trong rổ hàng tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Một phản ánh cho thấy giá gạo, thực phẩm (thịt gia súc), xi măng… đã giảm rõ rệt tại địa bàn Tp.HCM và một số địa bàn khác. Diễn biến này hé mở khả năng lạm phát sẽ dần hạ nhiệt trong tháng này.

Trong tháng 5, giá nhiều mặt hàng chung cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do sự đột biến của giá gạo (được xem là “sốt ảo”) đã dẫn đến sự bùng phát trở lại của chỉ số CPI. Theo tính toán từ báo cáo của Chính phủ, trên mặt bằng giá tháng 5, nếu giá lương thực chỉ tăng ở mức bằng tháng 4 là 6,11% thì chỉ số tăng giá tháng 5 sẽ là 2,08% và 5 tháng là 13,9%.

Một thuận lợi khác là giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, bỏ xa mức kỷ lục vừa xác lập trước đó. Giá dầu hiện xoay quanh mốc 122 USD/thùng, giảm mạnh so với đỉnh gần 136 USD/thùng trong tháng 5.

Giá dầu dần hạ nhiệt sẽ giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, vốn là một “ngòi nổ” của giá các mặt hàng, dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trên vẫn chưa chuyển nhiệt vào sàn chứng khoán.

Nối tiếp hiện tượng ngược dòng

VN-Index giảm thêm 5,58 điểm, về 390,08 điểm, chính thức đến “đáy” mà có một nhận định mới đưa ra hồi cuối tháng 5. Nhưng với diễn biến hiện nay, việc xác định đáy quá mạo hiểm.

Bởi thị trường vẫn duy trì mạch xuôi dòng của hơn 90% mã giảm sàn, của lực lượng bán ra giá sàn mạnh mẽ ngay từ đầu phiên, trong khi lực cầu hạn chế, ngay cả cầu của khối ngoại.

Khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục duy trì ở mức lo ngại. Một thực tế nghèo nàn vẫn thể hiện khi giá trị giao dịch khớp lệnh tại sàn Tp.HCM chỉ xoay quanh mốc 35 tỷ đồng; phiên này có 1.316.200 đơn vị với 36,8 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất vẫn là sự nối tiếp của nhóm cổ phiếu tạo hiện tượng. Phiên này, CII đã bỏ cuộc, trở lại cảnh giảm sàn. Nhưng BT6, SGT nối tiếp đà tăng trần ấn tượng. SGH đã chính thức nhập nhóm ngược dòng “mùa lũ” với phiên tăng trần chính thức. Cả 3 mã này đều không còn dư bán.

Khó xác định sự lôi kéo của nhóm cổ phiếu trên, nhưng thị trường lại đang chờ đợi sự “nhập hội” của VIC, phiên thứ hai tăng trần; trong khi DMC không giữ được mức tăng dẫn đầu thị trường hôm qua, dù nhóm cổ phiếu dược phẩm – y tế đang đứng đầu thị trường về khả năng bám trụ.

Ngoài ra, trong số 8 mã tăng hôm nay, chứng chỉ quỹ MAFPF1 bất ngờ lên tiếng sau khi đã giảm quá sâu dưới mệnh giá.

Những điểm sáng trên, đặc biệt là khả năng duy trì của BT6, SGT, SGH và cả khả năng của VIC, thêm sự có mặt của NKD…, cộng với những tín hiệu mới từ lạm phát, hy vọng thị trường sẽ có những phiên giao dịch khả quan hơn, có thể đến ngay phiên cuối tuần để cải thiện cho 140 mã còn lại; đặc biệt là cho khối lượng và giá trị giao dịch.

Tại sàn Hà Nội, lo ngại tiếp tục bị đẩy lên đỉnh điểm khi chỉ số HASTC-Index đã lùi sát mốc 110 điểm, trong khi điểm xuất phát của lịch sử là 100 điểm. Chỉ số này giảm thêm 1,95 điểm, còn 111,65 điểm. Khối lượng giao dịch tại đây chỉ còn 640.600 cổ phiếu, trị giá 12,66 tỷ đồng.

Chỉ còn lại 3 mã tăng trên HASTC, trong khi còn lại vẫn một loạt mã giảm sàn và không có giao dịch. Ngoài bối cảnh và xu hướng chung, ảnh hưởng giảm giá của một blue-chip tại đây là đáng kể, khi thị trường vừa đón nhận thông tin doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu đó giảm lợi nhuận tới 41% so với cùng kỳ 2007, theo báo cáo tài chính quý 1/2008; trong đó có nguyên nhân từ đầu tư chứng khoán và không thấy trích lập thêm dự phòng rủi ro.

Lan Ngọc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm