Mất cả triệu USD vì thiếu cẩn trọng

Xuất phát từ lợi thế là đối tác duy nhất có chung biên giới cả về đất liền và biển với Trung Quốc (TQ), Việt Nam (VN) có lợi thế hơn hẳn những nước khác trong quan hệ giao thương với thị trường khổng lồ này nhưng lại chưa khai thác hiệu quả. Mặt khác, có nhiều rủi ro khi làm ăn với các doanh nghiệp (DN) TQ đòi hỏi các DN VN phải cẩn trọng.

Hay “vòng vo tam quốc”

“Rủi ro khi làm ăn với các đối tác TQ có thể xảy ra từ khi bắt đầu tiếp cận đến khi ký kết, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp”. Luật sư Bùi Văn Thành, Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN (VIAC), người có nhiều kinh nghiệm xử các tranh chấp liên quan đến DN VN và TQ, nhấn mạnh như trên tại hội thảo về cách thức hưởng lợi từ Hiệp định tự do thương mại ASEAN-TQ vừa diễn ra.

Luật sư Thành kể nhiều câu chuyện “mất tiền tỉ” của DN Việt để minh họa cho các rủi ro khi làm ăn với các công ty TQ. Chẳng hạn, một công ty TQ đầu tư 16 triệu USD theo hình thức liên doanh liên kết với đối tác tại VN. Nhưng sau đó họ dùng các thủ thuật để rút toàn bộ số vốn đầu tư này về và không “quên” rút thêm 8 triệu USD của đối tác.

Cũng theo luật sư Thành, đặc tính của DN TQ đầu tiên là tính hay thay đổi. “Ngày 14-12 vừa qua, tôi và một công ty lớn của TQ đến Nam Định để bàn việc thỏa thuận hợp tác làm ăn. 10 giờ sáng thì xong, lên đường về chuẩn bị soạn thỏa thuận. Tuy vậy, trên đường cao tốc từ Nam Định về Hà Nội thì đại diện công ty TQ lại gọi điện xin hủy vụ làm ăn này” - ông Thành kể.

Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản cả nửa tháng mà doanh nghiệp Việt vẫn không biết. Trong ảnh: Hàng hóa xuất khẩu đang tập kết tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh. Ảnh: TL

Bởi theo luật sư Thành, DN TQ thường không nói hết những mục đích cốt lõi mà cứ “vòng vo tam quốc”. Cho nên DN VN cần phải hiểu được cả những tính cách, tiêu chuẩn giá trị của họ để đánh giá và cung cấp thông tin phù hợp.

Một câu chuyện khác cũng đáng suy nghĩ. Một công ty logistics VN ký hợp đồng với một đối tác Nhật Bản để vận chuyển hàng, đứng đằng sau DN Nhật Bản trên lại là một “ông lớn” TQ. Thế nên khi đàm phán và chuyển tiền, DN Việt phải làm việc với một công ty TQ. Đến khi hàng cập cảng thì không vào được vì công ty của TQ và công ty mua hàng đang có tranh chấp với nhau. Cuối cùng DN Việt chịu thiệt.

Trong quá trình xét xử tại VIAC, luật sư Thành còn gặp một vụ việc mà ông nói là vừa mừng vừa… đau lòng. Cụ thể, một công ty của VN ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu trị giá 1 triệu USD với một đối tác Nhật Bản, đứng đằng sau DN Nhật Bản cũng là một công ty của TQ. Sau đó, DN Việt nhận được một bộ chứng từ rất đầy đủ nhưng xem xét kỹ mới phát hiện ra bộ chứng từ đó có dấu hiệu giả mạo nên đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

“Vụ việc được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN và DN VN thắng kiện. Tuy vậy, trong lúc tranh chấp đang được giải quyết, một DN VN khác lại bị mắc bẫy bởi chính bộ chứng từ đã được phát hiện giả mạo kia” - ông Thành kể.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến năm 2016 tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-TQ mới được khoảng 30%, có nghĩa là chưa đầy 1/3 số hàng hóa xuất khẩu đi TQ tận dụng được những ưu đãi thuế quan này. Điều này cho thấy VN chưa tận dụng được những cơ hội để xuất khẩu sang TQ. 

Giảm rủi ro, tận dụng cơ hội

Các chuyên gia khuyến nghị các DN cần phải tìm hiểu kỹ khi làm ăn với đối tác TQ để giảm rủi ro và tận dụng các cơ hội khai thác thị trường sát cạnh VN này. TS Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế TQ, cho rằng những khó khăn gặp phải khi xuất khẩu sang TQ là rất khó để nắm bắt thông tin về việc họ thay đổi chính sách. “Có khi họ thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản cả nửa tháng rồi mà DN Việt vẫn không biết. Do vậy, xe cứ chở hàng từ VN ùn ùn lên biên giới”.

TS Phạm Sĩ Thành so sánh một trái dưa hấu từ VN chở đến cửa khẩu nếu bị ách lại giá bán chỉ 2.000 đồng/quả nhưng cũng quả dưa ấy đem về Hà Nội giá lại tới 20.000 đồng. Yếu kém trong vấn đề lưu thông hàng hóa khiến lợi thế kinh doanh, sản phẩm bị hạn chế. Do vậy cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ logistics để hỗ trợ xuất khẩu.

Bên cạnh đó cần học tập kinh nghiệm của các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đưa việc phổ biến thông tin, hướng dẫn thực hiện về các điều khoản, ưu đãi trong các hiệp định thương mại với DN lên hàng đầu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nêu thực tế hiện nay hàng hóa TQ giá rất rẻ. Tuy vậy, giá rẻ vừa là lợi thế vừa là điểm yếu của hàng TQ, vì hàng hóa giá rẻ thường chất lượng không cao.

Do đó, nếu DN Việt có hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý thì cạnh tranh tốt. Nói cách khác, nếu TQ có sức cạnh tranh rất mạnh về giá thì VN phải có chính sách cạnh tranh về chất lượng cũng như có khả năng tiếp cận các thị trường ngách.

Rủi ro ngôn ngữ hợp đồng

DN TQ có thể rất giỏi tiếng Anh nhưng khi đàm phán họ thường không sử dụng tiếng Anh. Bởi vậy, các DN VN cần người có khả năng tốt trong đàm phán, nhất là về ngôn ngữ, văn viết của TQ.

Trường hợp hợp đồng có sử dụng hai ngôn ngữ thì nên sử dụng cả tiếng TQ và tiếng Việt. Đồng thời, cần lựa chọn ngôn ngữ được sử dụng khi xảy ra tranh chấp là tiếng Việt.

Luật sư BÙI VĂN THÀNHVIAC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm