Ngân hàng hướng đến khách hàng VIP

Từ đầu năm 2009 tới nay, lần lượt các nhà băng Standard Chartered, ANZ, Citibank đã triển khai các dịch vụ bán lẻ với nhiều gói cao cấp dành cho khách hàng VIP. Mới đây nhất (5/5), ngân hàng HSBC đã ra mắt dịch vụ dành cho khách hàng cao cấp gọi là HSBC Premier.

Nhìn chung, lợi thế của các nhà băng ngoại là họ sẵn có những khách hàng cá nhân, chủ yếu là khách VIP có thu nhập cao. Chẳng hạn, khách hàng sử dụng dịch vụ Premier của HSBC yêu cầu số dư tối thiểu phải từ 1 tỷ đồng trở lên, được ứng trước khoản tiền mặt tối thiểu 2.000 đô la Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp....

Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc ngân hàng 100% vốn nước ngoài HSBC tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của HSBC, trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có khoảng 10% số lượng là khách hàng VIP. Riêng tại nhà băng này, số khách hàng thuộc diện cao cấp chiếm hơn 10% trên tổng số khách hàng cá nhân hiện có.

Trước sức ép cạnh tranh với các ngân hàng ngoại, nhiều nhà băng trong nước cũng tung ra những sản phẩm tài chính dành cho đối tượng khách hàng cao cấp và có kế hoạch triển khai mạnh trong năm 2010.

Mới đây nhất, Ngân hàng Sacombank vừa đưa ra dòng sản phẩm thẻ cao cấp dành riêng cho khách hàng VIP, có thu nhập hàng tháng từ 60 triệu đồng trở lên, được cấp hạn mức tín dụng đến 1 tỷ đồng.

Các nhà băng khác cũng có dòng thẻ Visa, một sản phẩm dành cho khách hàng có khả năng chi trả cao và nhu cầu chi tiêu lớn. Thẻ tín dụng của các ngân hàng trong nước được phân cấp hạn mức tín dụng để nhắm tới các đối tượng khách hàng khác nhau.

Hàng loạt ngân hàng 'nội' cũng bày tỏ mục tiêu hướng tới khách hàng VIP. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, nhà băng đang tìm cách chinh phục thị phần này. Trong thời gian tới, nhà băng sẽ lập hẳn những văn phòng ở những địa điểm thuận lợi nhất tại trung tâm TP HCM và Hà Nội chuyên phục vụ cho khách hàng cao cấp.

Theo ông Thanh, hiện khách hàng VIP tại ABBank chiếm khoảng 3-5% trên tổng số khách hàng đang giao dịch tại nhà băng. Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc tỏ ra lo ngại một số khó khăn trong quá trình chinh phục thị phần này. Thứ nhất là khó về thương hiệu.

Ông Thanh cho rằng, các ngân hàng 'nội' đang bị mờ nhạt hơn so với nhà băng ngoại vì người dân vẫn có tâm lý "chuộng ngoại' hơn nội. Thứ hai là áp lực về việc phải làm sao để đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của phân khúc khách hàng này. "Vì đã là VIP thì những đòi hỏi của họ cũng rất cao", ông Thanh nói.

Đại diện của Ngân hàng Quốc Tế VIB xác định, đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ là đối tượng có thu nhập từ mức trung lưu trở lên. Từ phân khúc khách hàng đó, VIB sẽ nghiên cứu và đưa ra các gói sản phẩm đặc trưng, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng khác nhau.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, hướng tới phân khúc khách hàng VIP với những dịch vụ ngân hàng cao cấp sẽ là xu hướng chính của các nhà băng trong tương lai. Bởi phân khúc này tại khu vực châu Á vẫn có xu hướng không ngừng gia tăng.

Bà Louisa Cheang, Tổng giám đốc khối dịch vụ tài chính cá nhân HSBC khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có triển vọng phát triển nhất trong vòng 10 năm tới. "Đây sẽ là một trong những thị trường chiến lược của khu vực các thị trường mới nổi mà nhiều ngân hàng ngoại đang dòm ngó và muốn chinh phục", bà Louisa nói.

Theo Lệ Chi ( Ebank)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm