Rào cản nguy hiểm với doanh nghiệp

Tại một số địa phương, quyền tự do kinh doanh được thể hiện chưa đúng khiến doanh nghiệp (DN) lúng túng trong quá trình gia nhập thị trường”. Nhận định trên được ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đưa ra tại hội thảo về ĐKKD và quyền tự do kinh doanh vừa tổ chức tại Hà Nội.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh đến từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng hiện tại có quá nhiều ĐKKD gây khó khăn cho DN, cản trở sự phát triển của DN nói chung và DN kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nói riêng. “Tôi có cảm giác ĐKKD chính là rào cản nguy hiểm. Ví dụ ĐKKD dành cho các hãng taxi truyền thống đang rất dày đặc, nó như một chiếc vòng kim cô cản trở sự phát triển của taxi truyền thống. Để taxi truyền thống có thể phát triển thì cần phải nới nó ra” - ông Thanh nói.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, ngậm ngùi cho rằng đây có thể là lần cuối cùng ông được đứng phát biểu tại một hội thảo để lên tiếng về các vướng mắc của các DN kinh doanh ô tô đang gặp phải. “Lúc thì cơ quan chức năng ra điều kiện yêu cầu phải có giấy xuất xưởng chính hãng. Hôm thì nhận được thông tin là DN phải có cam kết triệu hồi… của nhà sản xuất thì mới đủ ĐKKD. Đây là lần cuối cùng tôi được nói bởi nếu cứ làm như vậy thì chúng tôi chỉ có nước chờ phá sản thôi” - ông Tuấn nói.

Nhận xét về các ĐKKD, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, cho rằng: “Hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn nhưng có thể thấy với 10 ĐKKD được giảm thì lại có bảy điều kiện khác tăng thêm. Tôi cho rằng cần phải dẹp 1/3 số ĐKKD này đi bởi nếu không vẫn chỉ là cải cách thiếu đồng bộ, giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số đẻ ra còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn”.

Trả lời cho câu hỏi vì sao cuộc chiến với các ĐKKD lại dai dẳng kéo dài, luật sư Đức thẳng thắn: “Nguyên nhân vì tất cả đối tượng có quyền liên quan không muốn bỏ, thậm chí DN được hưởng lợi không muốn bỏ. Ví dụ mới đây nhất, yêu cầu của Bộ GTVT hạn chế đi xe chung là trái luật. Bởi đây là mô hình kinh doanh khác, anh chưa quản được nên cấm. Cấm như vậy là vô căn cứ”.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Nhà bán lẻ, nói: “Cộng đồng DN cho rằng cơ quan nhà nước đang bao đồng: Lo ngân sách, lo mọi thứ với mong muốn tốt nhất. Nhưng thực tế lại không đủ sức để có thể làm, không giao việc cho hiệp hội ngành nghề… nên dẫn đến tình trạng đẻ ra các ĐKKD và “người đứng dưới lo cho người trên cây””.

Theo rà soát của VCCI, có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Bộ Công Thương dẫn đầu về việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh với 1.220 điều kiện. Tiếp đến là Bộ Y tế với 740 điều kiện, rồi Bộ Tài chính và Bộ GTVT...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm