Sẽ có công ty mua bán nợ

Theo dự thảo, DNNN khi gặp khó khăn trong quá trình xử lý, thu hồi nợ có thể bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam với mức giá thỏa thuận hợp lý, trên cơ sở tham khảo giá của tổ chức định giá, giá thị trường.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ; áp dụng mức lãi suất của khoản nợ đã mua cho phù hợp với khả năng trả nợ; tái cơ cấu DN; chuyển nợ, tài sản thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; bán các khoản nợ và tài sản đã mua…

Hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc DN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ. Nếu không xử lý kịp thời làm thất thoát vốn thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm theo pháp luật. Trường hợp bán nợ mà làm DN bị thua lỗ, mất vốn hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng DN phải giải thể, phá sản thì những người này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ của DN.

DN có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán nợ. Hội đồng thành viên có trách nhiệm ký ban hành quy chế quản lý nợ của DN trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành. DN chậm ban hành quy chế thì coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ, không được trích quỹ khen thưởng và phúc lợi; hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, ban điều hành DN không được trích quỹ thưởng và chỉ được hưởng 70% tiền lương hằng tháng, sẽ bị miễn nhiệm nếu bị nhắc nhở đôn đốc hai lần.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, tổng nợ phải thu của 91 tập đoàn, tổng công ty gần 300.000 tỉ đồng, tổng nợ phải trả gần 1.300.000 tỉ đồng.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm