Vay tiêu dùng: Tiềm năng có, sao khó phát triển?

Vay tiêu dùng: Tiềm năng có, sao khó phát triển? ảnh 1

Làm thủ tục vay vốn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).
Rủi ro lãi suất

Cho vay tiêu dùng là sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như mua nhà, mua ôtô cho đến các khoản vay nhỏ như vay mua đồ gia dụng...

Tuy nhiên, đa số các ngân hàng thương mại cho biết dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển chưa xứng với tiềm năng của thị trường có tới trên 85 triệu dân và dân số trẻ chiếm đa số. Thực tế, nhiều người đã từng tìm tới các ngân hàng tìm hiểu về các dịch vụ vay tiêu dùng nhưng tâm trạng chung là phân vân vì lãi suất quá cao hoặc lo ngại lãi suất sẽ tăng cao trong tương lai.

Anh Nguyễn Quang Sơn ở Bạch Mai, Hà Nội, có ý định vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua nhà. Qua tìm hiểu, anh được biết có thể vay theo hình thức thế chấp chính ngôi nhà định mua. Tuy nhiên, mức lãi suất do ngân hàng đưa ra là 15%/năm theo dư nợ thực tế, thời hạn 5 năm đã làm anh nản lòng.

Theo tính toán của anh, trong năm đầu, mỗi tháng anh phải trả cả lãi và gốc tới gần 14 triệu đồng.

Trong các năm sau, số tiền trả lãi và gốc có giảm đi nhưng cũng trên 10 triệu đồng/tháng.

“Lãi suất quá cao, bên cạnh đó, nếu mặt bằng lãi suất tăng nữa thì không biết lấy gì để trả nợ cho ngân hàng,” anh Sơn lo lắng.

Bà Vũ Thanh Thủy - Giám đốc ngân hàng bán lẻ (Sở Giao dịch Hà Nội của Ngân hàng ANZ) cho rằng nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam rất lớn vì Việt Nam là nước đông dân, dân sống ở thành thị nhiều. Do đó, nhu cầu mua nhà, ôtô, đồ gia dụng rất lớn nhưng người dân không sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng vì lãi suất cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung, hiện nay là khoảng 14-15%/năm, thậm chí 16-17%/năm.

Ngoài lãi suất cao, người vay còn lo ngại rủi ro về thay đổi lãi suất khi vay tiêu dùng. Thu nhập của người dân thường là những khoản cố định nên họ cũng mong được trả lãi đều đặn hàng tháng cho ngân hàng. Vậy nhưng khi có biến động lãi suất trên thị trường, các ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất, nhiều lúc lên tới trên 20%/năm, khiến người vay lâm vào thế bị động, không thể kiểm soát được nguồn tiền phải trả.

Bên cạnh đó, người đi vay thường không cung cấp được các giấy tờ chứng minh khả năng chi trả, mặc dù nhiều người có nguồn thu nhập khá cao. Thậm chí, tại một số ngân hàng, cán bộ ngân hàng còn gây phiền nhiễu khiến tín dụng tiêu dùng càng khó phát triển. Do đó, ở Việt Nam, hình thức vay của người thân vẫn phổ biến hơn.

Cùng chung quan điểm trên, bà Dương Thị Mai Hoa - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết trong những năm trước đây, vay tiêu dùng ở Việt Nam không phát triển như ở các nước khác vì thu nhập bình quân thấp, nhu cầu người dân chủ yếu là nhu cầu thiết yếu hơn là mua sắm tiện ích.

Gần đây, thu nhập, nhu cầu và nhận thức của người dân ngày càng gia tăng nên nhiều người đã mạnh dạn hơn trong việc vay tiêu dùng. Tuy nhiên, lãi suất cao và sự biến động của lãi suất vẫn đang là rào cản.

Bài toán khó của ngân hàng

Theo các ngân hàng, sự biến động của lãi suất cho vay nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Hơn nữa, các khoản vay tiêu dùng thường có kỳ hạn dài, trong khi đó tâm lý chung của đa số người dân là gửi ngắn vì lo ngại sự mất giá của đồng tiền. Do vậy, để hạn chế rủi ro, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay.

Theo bà Dương Thị Mai Hoa, lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc ổn định tiền đồng. Nếu lạm phát ổn định, lãi suất được duy trì ở mức vừa phải thì các ngân hàng sẽ dễ cân đối nguồn vốn, đồng thời lãi suất cho vay ra cũng được ổn định, người dân bớt lo hơn.

“Hiện tại lãi suất huy động tới 11,5%/năm nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Do vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm xuống,” bà Vũ Thanh Thủy nói.

“Để kích thích cho vay tiêu dùng, Nhà nước nên xem xét tới việc giảm trừ chi phí thuế thu nhập cá nhân cho các khoản vay tiêu dùng. Như hiện nay, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng cho cả vợ và chồng thì đi vay mua một ngôi nhà là rất khó. Vì vậy, giảm trừ chi phí vay tiêu dùng trong thuế thu nhập cá nhân sẽ kích thích người dân vay tiêu dùng,” bà Thủy cho biết.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giảng viên giảng dạy chương trình Fullbright cho rằng khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó thì sản phẩm vay tiêu dùng sẽ được người dân sử dụng rộng rãi.

“Vay tiêu dùng thực chất là mua sắm bằng thu nhập dự kiến trong tương lai mà hiện nay chưa có đủ. Khi nền kinh tế ổn định thì những dịch vụ như vay tiêu dùng sẽ phát triển hơn, đặc biệt là những khoản vay tiêu dùng phục vụ mục đích hàng ngày,” tiến sĩ Tự Anh cho biết./.

Theo Hữu Vinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm