Tính oan cước tin nhắn: Kiện cũng như không

Dịch vụ điện thoại di động ngày càng được nâng cao, chỉ cần ngồi nhà bấm số gửi tin nhắn, khách hàng có thể nhận được các thông tin hữu ích. Tuy nhiên, có những khách hàng không bao giờ sử dụng vẫn nhận được hóa đơn thanh toán. Với khách hàng, việc chứng minh để đòi lại quyền lợi của mình quá gian nan.

Hóa đơn trên... trời rơi xuống!

Ông Nguyễn Văn M., Giám đốc Công ty TNHH TN (quận 10, TP.HCM), đưa ra hóa đơn thanh toán tiền cước tháng 9 của công ty điện thoại di động Mobifone mà ông cho là chưa hợp lý.

Theo ông M., tiền cước trong tháng 9 của ông bị tính vượt gần tới 500 ngàn đồng. Điều đáng nói là số tiền vượt trội mà ông M. phải trả cho việc nhắn tin toàn dính vào trò chơi trúng thưởng, chứng khoán, thời tiết, các dịch vụ hỗ trợ khác. “Thật không thể tin được, tôi quản lý một doanh nghiệp, làm không hết việc nên không có thời gian dành cho gia đình, con cái thì thời giờ đâu mà nhắn tin mấy dịch vụ như thế chứ!” - ông M. nói.

Điều ông M. cảm thấy ngạc nhiên là trong bảng thống kê, có ngày ông “giám đốc làm không hết việc này” phải dành ra liên tục mấy tiếng đồng hồ để tham gia những dịch vụ trên.

Trên đây là trường hợp không lạ mà khách hàng sử dụng dịch vụ di động gặp phải. Trước đây cũng có trường hợp chủ nhân của số thuê bao 090355xxxx nhận được bản thanh toán số tiền cước phí lên tới hơn hai triệu đồng vì tin nhắn lặp. Theo bản kê chi tiết tin nhắn thì hiện tượng tin nhắn bị lặp trong nhiều ngày. Thậm chí có những tin nhắn chỉ cách nhau vài giây và được lặp đi lặp lại trong vòng có một phút.

Có trường hợp như anh H. dùng dịch vụ di động của Vinaphone thì chẳng bao giờ nhắn tin, bởi đơn giản anh không thành thạo việc nhắn tin trên máy. Cho nên mỗi lần muốn liên lạc với ai, anh H. chỉ có gọi.

Tuy nhiên, đến lúc thanh toán, trong hóa đơn anh H. phải trả thêm vài chục ngàn đồng cho dịch vụ tin nhắn. Anh H. nói: “Số tiền tuy không nhiều, song vấn đề ở đây là nếu có nhiều người bị tính sai cước như tôi thì chuyện gì sẽ xảy ra khi mỗi công ty di động có tới hàng triệu thuê bao?”.

Khách hàng thường thua thiệt

Hiện nay, mỗi công ty di động như Mobifone, Vinaphone, Viettel... đều có hàng chục tổng đài cung cấp các thông tin về dịch vụ giải trí vui chơi qua điện thoại di động. Thông thường, các công ty di động chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng, mã số, còn đối tác liên kết chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đối với khách hàng. Mức cước sẽ được chia theo tỷ lệ 30-70, trong đó công ty di động là 30%.

Theo quy định, khi có khiếu nại, khách hàng phải làm đơn và chờ phía công ty di động tìm nguyên nhân giải quyết. Tuy nhiên, khách hàng mỗi khi gặp vướng mắc về cước lại rất ngại tìm đến khiếu nại. Họ cho rằng thời gian và thủ tục khiếu nại thường kéo dài thời gian.

Một lý do nữa với những quy định do công ty cung cấp dịch vụ di động đề ra thì khách hàng luôn ở thế thua thiệt. “Khi thấy số tiền cước tính sai cho mình quá lớn, tôi đến trung tâm chăm sóc khách hàng để khiếu nại.

Tuy nhiên, ngoài việc nhớ chắc chắn là mình không dùng thì tôi không có bằng cứ gì để chứng minh mình bị tính tiền oan. Họ in ra danh sách dài dằng dặc, bảo rằng tôi có dùng. Dùng dằng mãi, cuối cùng mấy cô nhân viên bảo về viết đơn khiếu nại gửi cho công ty và chờ” - ông Nguyễn Văn M., Giám đốc Công ty TNHH TN, nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bưu chính viễn thông cho rằng luật giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực này chưa khiến các công ty sợ. Ông này chứng minh, luật quy định phạt 10-15 triệu đồng đối với một mạng viễn thông có chất lượng không tốt. Tuy nhiên, con số đó không nhằm nhò gì nếu so với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mà các công ty di động thu được.

“Thế cho nên vẫn có tình trạng có mạng di động từng bị phạt tiền vì qua kiểm tra phát hiện chất lượng dịch vụ kém nhưng chính các công ty này coi việc xử phạt chỉ là... chuyện nhỏ!” - vị chuyên gia này khẳng định.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm