Đang xét xử sáu cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ

Hôm nay (26-10), TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). 

Phạm Hải Bằng, phó giám đốc RPMU và năm bị cáo khác bị cáo buộc nhận 11 tỉ đồng ngoài hợp đồng từ Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC).

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội.

8 giờ 55, chủ tọa tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo.

9 giờ 14, chủ tọa tuyên bố kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chuyển qua phần xét hỏi. 

Đại diện VKS đang công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, tháng 10-2008, Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tháng 11-2008, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có quyết định về việc giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án tuyến số 1 cho Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU).

RPMU lập tổ dự án tuyến số 1 gồm 21 thành viên, trong đó có Phạm Hải Bằng - phó giám đốc RPMU làm chủ nhiệm dự án, Phạm Quang Duy - trưởng phòng Dự án 3 làm điều phối viên, Nguyễn Nam Thái - phó trưởng phòng Dự án là chuyên viên kỹ thuật dự án. Tháng 1-2009, RPMU có quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật của dự án tuyến số 1 gồm 13 thành viên, trong đó Phạm Hải Bằng là tổ trưởng.

Phiên tòa được bảo vệ nghiêm, những người vào cổng phải xuất trình giấy tờ.

Tháng 9-2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên doanh do Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu. Do khối lượng công việc tăng, tháng 3-2013, được sự phê duyệt của JICA, Bộ GTVT, và ủy quyền của VNR, RPMU và liên doanh đã ký hợp đồng điều chỉnh giá trị hợp đồng tư vấn, nâng tổng giá trị hợp đồng lên hơn 3,6 tỉ yen Nhật và 236 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng - giám đốc RPMU nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án, đã được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế, JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỉ đồng. Số tiền này các bị can đã sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, nghỉ mát, thưởng ngày lễ cho nhân viên, hỗ trợ công đoàn...

 Bị cáo Bằng đang trả lời thẩm vấn của HĐXX.

Việc nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng cho RPMU đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng Nhật Bản khởi tố, xử lý về hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh không công bằng và kiến nghị Việt Nam xác minh, làm rõ hành vi của các cán bộ tại RPMU. Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo RPMU tạm dừng thanh toán hợp đồng tư vấn giai đoạn 1.

 Một số diễn biến chính của vụ việc
- Ngày 20-3-2014, báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin JTC chi 80 triệu yen (782.640 USD) cho các cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát. 
- Ngày 23-3-2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu rõ quan điểm sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai. 
- Ngày 24-3-2014, bốn cán bộ VNR phải tạm dừng công tác để giải trình gồm hai phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam là ông Ngô Anh Tảo (phó tổng giám đốc phụ trách RPMU) và ông Trần Quốc Đông (nguyên giám đốc RPMU). Cục Đường sắt tạm dừng công việc đối với ông Trần Văn Lục, nguyên giám đốc RPMU (giai đoạn 2000-2009), thời điểm đó ông Lục là trưởng ban dự án của Cục Đường sắt. 
- Ngày 25-3, Bộ GTVT có quyết định thanh tra đột xuất toàn bộ các dự án đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có sự tham gia của nhà thầu JTC.
 - Ngày 26-3, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu thêm 10 cán bộ, gồm bảy người đang công tác và ba người đã về hưu, làm báo cáo về quá trình thực thi nhiệm vụ có liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1. 
- Ngày 27-3, Bộ GTVT thành lập tổ kiểm tra xác minh thông tin JTC khai hối lộ một số quan chức đường sắt Việt Nam, lập số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác về việc JTC chi hối lộ. 
- Tháng 5-2014, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bốn bị can để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án liên quan đến việc JTC chi hối lộ. đã xét xử vụ án 
- Ngày 4-2-2015, tòa án TP Tokyo “vi phạm bộ luật cạnh tranh không công bằng” xảy ra tại Công ty JTC. Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 12-2009 đến tháng 2-2014, một số nhân viên của JTC đã đưa 69,9 triệu yen tiền mặt cho Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái để được thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn. Ngoài ra, JTC còn chi 6,9 triệu yen chi phí hội nghị, quản lý thầu phụ cho RPMU. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm