Hết thời hiệu thì không thể khởi kiện

Cha mẹ bà có bảy người con. Lúc còn sống, cha mẹ bà có nhiều mảnh đất với hơn 8.000m2. Sau khi cha qua đời, mẹ là người trực tiếp canh tác trên số đất trên. Đến năm 2002, mẹ bà giao toàn bộ số đất trên cho ông S. canh tác và sử dụng đến nay. Cha bà qua đời không để lại di chúc nên toàn bộ tài sản mà ông S. đang quản lý thuộc sở hữu của mẹ và toàn bộ anh chị em. Đến năm 2006, ông S. lợi dụng lúc mẹ không còn minh mẫn nên đã bàn bạc với hai người em đến phòng công chứng làm thủ tục sang tên toàn bộ diện tích đất này qua tên của ông. Việc sang tên này bà và ba người chị khác không biết. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, bà đã yêu cầu ông S. chia di sản nhưng ông S. không đồng ý.

Ông S. thì cho rằng vào năm 1979, cha mẹ cùng tất cả anh chị em họp mặt và đã thỏa thuận phân chia di sản. Tờ thỏa thuận phân chia di sản này mỗi người giữ một bản. Lúc đó, mỗi người con đều được cha mẹ cho tài sản. Ông S. được cha mẹ cho phần tài sản tương ứng với diện tích đất hơn 8.000 m2 mà ông đang quản lý với điều kiện ông sẽ chăm sóc cha mẹ đến cuối đời. Từ đó, cha mẹ ở với ông S. và ông vẫn làm tròn nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ. Khi cha qua đời, ông tiếp tục canh tác trên đất này. Do nguồn gốc đất là của cha mẹ cho ông nên ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M.

Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Cần Đước (tỉnh Long An) bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà M. Cấp sơ thẩm cho rằng nguồn gốc đất tranh chấp là của cha mẹ bà M. và ông S. để lại. Năm 1979, cha mẹ bà M. có phân chia di sản cho tất cả các con. Ông S. và ba người em được nhận đất. Phần ông S. được nhận hơn 8.000 m2 (đất các bên đang tranh chấp) với nghĩa vụ phải phụng dưỡng cha mẹ già. Việc ông S. và ba người em nhận đất được lập thành di chúc và mỗi người giữ một bản. Còn bà M. và hai người chị nhận tài sản bằng hiện vật nên không lập thành di chúc. Tuy nhiên, trên các bản di chúc này thì tất cả anh em đều ký tên xác nhận, có cả bà M. Việc lập di chúc này của cha mẹ bà M. là hoàn toàn tự nguyện.

Năm 1996, cha bà M. qua đời. Mãi đến năm 2009, bà M. mới đòi chia thừa kế thì thời hiệu đã hết. Yêu cầu chia tài sản chung của bà M. cũng không thể xem xét vì anh em của bà M. không có văn bản thừa nhận tài sản mà bà M. tranh chấp là tài sản chung chưa chia. Vì thế, yêu cầu khởi kiện của bà M. là không có cơ sở chấp nhận.

Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Long An bác kháng cáo của bà M., giữ nguyên bản án sơ thẩm.

KINH NGHIỆM: Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Theo đó, nếu đã qua 10 năm thì bà M. không thể yêu cầu chia di sản thừa kế được.

VĂN ĐOÀN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm