Đó là chuyện của ông Đặng Ngọc Cường (ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Tháng 1-2017, vợ chồng ông mua căn nhà số 32 Nguyễn Thị Định (quận Sơn Trà) của ông Nguyễn Khắc Lương với giá 3 tỉ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán và sang tên, ông Cường đến nhận nhà thì phát hiện gia đình bà Mai Thị Huệ đang sống tại đây. Ông Cường yêu cầu bà Huệ giao nhà nhưng bà Huệ cương quyết không rời đi.
Mua rồi không được ở
“Cả đời cha đời con đi biển, tích góp mãi mới mua được căn nhà. Vợ chồng tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh việc sở hữu nhà đất hợp pháp nhưng hơn một năm qua phải bất lực nhìn người ta sống trong căn nhà của mình” - ông Cường bức xúc nói.
Ông Cường cũng lý giải do tin tưởng người môi giới và tin tưởng chủ nhà có giấy tờ hợp pháp, không có tranh chấp nên trước khi mua không trực tiếp đến xem nhà, không biết gia đình bà Huệ đang sống tại đó.
Theo ông Cường, vợ chồng bà Huệ từng là chủ sở hữu căn nhà này. Tuy nhiên, từ tháng 2-2011, vợ chồng bà Huệ đã bán nhà cho vợ chồng ông Phạm Phú Sơn với giá 2,4 tỉ đồng. Sau đó, vợ chồng ông Sơn cho bà Huệ thuê lại nhà với giá 9 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê 12 tháng (từ tháng 2-2011).
Hết thời hạn thuê, vợ chồng ông Sơn yêu cầu bà Huệ giao nhà nhưng bà này khất lần nên vợ chồng ông Sơn phải khởi kiện bà Huệ ra TAND quận Sơn Trà. Tháng 12-2012, tòa này xử vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà ở, tuyên buộc bà Huệ phải trả nhà cho vợ chồng ông Sơn.
Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng gần ba năm sau, bà Huệ vẫn không chịu giao nhà. Tháng 5-2015, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Sơn Trà đã ra quyết định cưỡng chế, buộc bà Huệ phải bàn giao nhà cho ông Sơn nhưng bà này không chịu THA.
Ngày 15-5-2015, vợ chồng ông Sơn bán nhà cho ông Lương. Đầu năm 2017, ông Lương bán nhà cho ông Cường. Tháng 4-2017, ông Cường đến Chi cục THADS quận Sơn Trà yêu cầu làm thủ tục THA đối với căn nhà, buộc gia đình bà Huệ giao nhà cho ông thì bị từ chối với lý do ông không phải là đối tượng THA theo bản án của TAND quận Sơn Trà.
“Họ nói người có nghĩa vụ giao nhà đất cho tôi là ông Lương, nếu tôi không nhận được nhà đất theo hợp đồng mua bán thì có quyền kiện ông Lương ra tòa. Còn nếu tôi muốn yêu cầu THA thì phải có giấy ủy quyền của vợ chồng ông Sơn. Tuy nhiên, vợ chồng ông Sơn đã đi Mỹ, ông Lương thì đang đi tù vì phải chấp hành một bản án hình sự. Cứ đà này chẳng lẽ tôi mất trắng căn nhà hay sao?” - ông Cường than thở.
Vợ chồng ông Cường trình bày sự việc với PV. Ảnh: T.AN
Chờ Tổng cục Thi hành án chỉ đạo
Trao đổi với PV, ông Lê Viết Thành (Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Sơn Trà) cho biết vụ việc liên quan đến căn nhà trên đang có vướng mắc phức tạp về mặt pháp lý nên cơ quan THA buộc phải xử lý thận trọng.
“Mấu chốt ở đây là không có văn bản nào thể hiện rõ sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong việc THA đối với căn nhà. Bởi lẽ theo bản án của TAND quận Sơn Trà và quyết định THA thì vợ chồng bà Huệ có trách nhiệm phải trả lại nhà cho vợ chồng ông Sơn. Do đó, cơ quan THA chỉ có thể cưỡng chế và bàn giao nhà đất cho vợ chồng ông Sơn chứ không thể giao cho bất cứ ai khác” - ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, sau khi bán nhà cho ông Lương, vợ chồng ông Sơn có làm giấy ủy quyền cho ông Lương thay mặt để giải quyết việc THA, thời hạn ủy quyền là hai năm. Tuy nhiên, trong giấy ủy quyền không nêu rõ là ông Lương có được quyền thay mặt vợ chồng ông Sơn để nhận căn nhà này hay không. “Lúc đó cơ quan THA đã làm việc, yêu cầu ông Lương bổ sung rõ nội dung được ủy quyền nhưng ông Lương không thực hiện nên cơ quan THA không thể giao căn nhà cho ông Lương. Còn hiện tại thì giấy ủy quyền đã hết hiệu lực” - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, ngày 3-4-2018, Cục THADS TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc liên quan đến căn nhà này. Tại cuộc họp, Cục đề nghị Chi cục THADS quận Sơn Trà chuẩn bị hồ sơ, báo cáo cụ thể về hướng giải quyết vụ việc. “Chúng tôi đang rất thận trọng giải quyết vấn đề để đảm bảo lợi ích giữa các bên. Muốn thế thì phải cần có thời gian. Cục THA đã dự thảo báo cáo gửi Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) để xin ý kiến chỉ đạo. Còn trước mắt, ông Cường vẫn sẽ phải chờ” - ông Thành cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
“Cưỡng chế, giao nhà phải có người nhận”
Khi PV hỏi vì sao khi vợ chồng ông Sơn còn ở Việt Nam và sau khi đã có quyết định cưỡng chế (tháng 5-2015), cơ quan THA không thực hiện ngay việc cưỡng chế thì chấp hành viên Lê Minh Hùng Lâm (người giải quyết vụ việc) lý giải: “Thời điểm đó, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức tiếp dân, vợ chồng bà Huệ nộp đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét việc “bị vợ ông Sơn lừa gạt chiếm đoạt tài sản”. Do đó, chúng tôi thống nhất tạm dừng việc cưỡng chế để chờ ý kiến của chủ tịch HĐND TP nhằm xem xét, giải quyết thấu đáo sự việc. Ngày 29-5-2015, HĐND TP có công văn trả lời, yêu cầu bà Huệ chấp hành theo bản án của TAND quận Sơn Trà. Tuy nhiên, vận hành lại quy trình cưỡng chế phải mất một thời gian. Trong thời gian đó, vợ chồng ông Sơn bất ngờ bán nhà cho ông Lương. Việc này chúng tôi không biết, mãi đến khi ông Lương bán nhà cho ông Cường chúng tôi mới biết”.
PV cũng hỏi nếu không liên lạc được với vợ chồng ông Sơn thì cơ quan THA có cưỡng chế buộc gia đình bà Huệ ra khỏi nhà hay không. Ông Lâm cho hay: “Theo Luật THADS, việc cưỡng chế, bàn giao nhà phải diễn ra đồng thời và phải có mặt người được nhận tài sản, tức vợ chồng ông Sơn hoặc người được ủy quyền hợp lệ. Còn phương án cưỡng chế nhà rồi niêm phong là không thể bởi niêm phong rồi ai quản lý? Lỡ mất tài sản hay nửa đêm cháy nhà ai chịu trách nhiệm? Tóm lại phải có người nhận chúng tôi mới giao nhà”.
“Sớm muộn gì cũng phải cưỡng chế” Theo một lãnh đạo Văn phòng UBND quận Sơn Trà, sau khi nhận được đơn của ông Cường đề nghị bàn giao căn nhà, UBND quận đã chỉ đạo Chi cục THA quận phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hồ sơ và đề xuất hướng xử lý. Do vụ việc phát sinh một số vướng mắc về pháp lý nên chưa giải quyết được. “Quan điểm của quận là sớm muộn gì cũng phải cưỡng chế buộc giao trả nhà nhưng việc cưỡng chế này phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật” - vị này nói. |