Phạt tù chủ tịch xã trong vụ tráo máy phát cho dân nghèo

Ngày 10-10, sau gần hai ngày xét xử, TAND huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thúc Mẫn (nguyên chủ tịch UBND xã La Dạ) ba năm sáu tháng tù và Dương Ngọc Như Hiền (nguyên kế toán xã La Dạ) hai năm tù, đều về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tòa cũng yêu cầu hai bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường hơn 280 triệu đồng cho UBND xã La Dạ.
Đây cũng là vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM đã phát hiện và có loạt bài điều tra, phản ảnh từ đầu năm 2017; Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần chỉ đạo xử lý nghiêm theo pháp luật.

Phạt tù chủ tịch xã trong vụ tráo máy phát cho dân nghèo ảnh 1
Hai bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: PN

Ngoài việc tuyên phạt tù đối với hai bị cáo, thẩm phán Lương Đặng Tân, Phó Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Bắc, chủ tọa phiên tòa, còn kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ một số nội dung. Cụ thể, qua thẩm vấn tại phiên tòa, xét thấy ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc) và Hồ Minh Thắng (chủ cơ sở nông ngư cơ Minh Thắng) có dấu hiệu tội phạm nên yêu cầu điều tra làm rõ.
Theo cáo trạng, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo ở các xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn, có 306 hộ ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. UBND xã La Dạ được cấp hơn 1,5 tỉ đồng kinh phí.
Sau đó, ông Huỳnh Thúc Mẫn ký hợp đồng với ông Hồ Minh Thắng cung cấp 438 máy nông cụ cùng phụ kiện xuất xứ Việt Nam và liên doanh hợp tác trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ đặt mua máy móc nông cụ là hàng không rõ xuất xứ, trôi nổi, không hóa đơn chứng từ.
Ngày 20-12-2016, ông Mẫn có giấy mời đại diện lãnh đạo các phòng của huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức nghiệm thu máy móc nông cụ theo hợp đồng đã ký trong đó có ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng phòng Dân tộc huyện). Hội đồng nghiệm thu không kiểm tra cụ thể từng chủng loại, số lượng nông cụ máy móc theo nội dung hợp đồng nhưng lại thống nhất kết luận: Hàng còn nguyên đai, nguyên kiện, mới 100% đúng theo hợp đồng.
Ngày 5-1-2017, sau khi nhận máy móc về, nhiều hộ dân phản ánh máy móc bị đánh tráo và giá trị không đủ 5 triệu đồng mà họ được nhận. Ông Mẫn và ông Thắng xuống các hộ dân kiểm tra một số máy bơm nước nhãn hiệu HONDA nhưng bóc nhãn hiệu này ra thì phía bên trong có thêm một nhãn hiệu khác ghi chữ GX200. Ngoài ra, rất nhiều máy cắt cỏ dán hai tem chồng lên nhau, tem bên ngoài là HONDA GX35 nhưng bên trong lại là nhãn hiệu TOYO màu đỏ.
Ngày 31-12-2017, Hội đồng định giá trong tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc kết luận: Tất cả máy móc như máy xịt thuốc, máy cắt cỏ, máy bơm nước đều dưới giá 5 triệu đồng, có giá chỉ từ 1,3 triệu đến 3,5 triệu đồng. Thiệt hại tổng cộng trong vụ án là hơn 780 triệu đồng, trong đó ông Hồ Minh Thắng đã hưởng lợi bất chính gần 500 triệu đồng và ông Huỳnh Thúc Mẫn cùng bà Dương Ngọc Như Hiền gây thất thoát hơn 280 triệu đồng. Sau khi vụ án xảy ra, ông Thắng đã mang đổi lại 176 máy móc cho các hộ dân, trị giá 730 triệu đồng.
Theo VKSND huyện Hàm Thuận Bắc, ông Mẫn không tổ chức giám sát, cấp vốn hỗ trợ cho dân nghèo theo quy định mà hợp đồng cung cấp máy móc nhưng không thẩm tra năng lực vốn, năng lực thực hiện; hợp đồng không chặt chẽ gây thất thoát, lãng phí hơn 780 triệu đồng.
Bà Hiền là kế toán, biết rõ việc cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân bằng tiền không phải bằng máy móc nông cụ nhưng vẫn tham mưu, giúp sức cho ông Mẫn. Do đó, bà Hiền là đồng phạm và phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền hơn 280 triệu đồng do không tổ chức thẩm tra giá trị máy móc. Hiện chủ tịch UBND xã La Dạ đã yêu cầu ông Mẫn và bà Hiền phải liên đới bồi thường số tiền trên cho Nhà nước.
Đối với các thành viên khác của UBND xã La Dạ và các thành viên trong hội đồng nghiệm thu của huyện Hàm Thuận Bắc không phải là những người có trách nhiệm quản lý số tiền hỗ trợ của Nhà nước, tham gia theo chỉ đạo và yêu cầu của Huỳnh Thúc Mẫn; không trực tiếp gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nên không đồng phạm trong vụ án.
Riêng ông Hồ Minh Thắng, thực hiện không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, hưởng lợi bất chính. Tuy nhiên, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hậu quả trên do ông Mẫn là người có trách nhiệm chính quản lý tiền của Nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, do đó ông Thắng không phạm tội lừa dối khách hàng.
Không đồng tình, luật sư của bị cáo Mẫn cho rằng hành vi của ông Thắng đã cấu thành tội phạm lừa dối khách hàng. Cụ thể, ông Thắng ký hợp đồng cung ứng máy móc hiệu Honda nhưng lại cung cấp hàng nhái, hàng giả có giá trị thấp, hàng hóa không hóa đơn chứng từ. Nhãn mác làm giả trông như thật, nếu không có chuyên môn thì không thể phát hiện được. Do đó, tháng 10-2017, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa dối khách hàng nhưng hai tháng sau, VKSND cùng cấp đã hủy quyết định này. Theo luật sư, việc hủy quyết định này là bỏ lọt tội phạm.
Đối với ông Nguyễn Văn Tấn, qua thẩm vấn tại tòa thì biết rõ UBND xã La Dạ không phát tiền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà dùng tiền mua nông cụ phát cho dân là sai nhưng vẫn không ngăn chặn. Ông Tấn cũng là người có mặt trực tiếp khi nghiệm thu máy và theo luật sư, đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm