Quy định ‘xin phép quay phim’ là chưa phù hợp!

Trên các số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu quy định “công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân” trong nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội. Trên thực tế, không chỉ Hà Nội mà một số địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM… cũng có quy định tương tự. Không chỉ vậy, ở cấp trung ương, nội quy trụ sở tiếp công dân trung ương do Thanh tra Chính phủ ban hành vào tháng 8-2015 cũng có quy định này.

Để khép lại vấn đề gây tranh cãi này, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ông NGUYỄN VĂN PHA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV:

Luật không cấm thì không nên quy định phải xin phép

Lúc còn làm phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi cũng đã từng tiếp dân. Cũng có trường hợp người dân đưa máy chụp ảnh, ghi âm. Tôi giải thích với bà con rằng: “Chúng ta cùng lắng nghe nhau để đưa kiến nghị đến những nơi có thẩm quyền giải quyết. Ở góc độ nào đó, chúng ta cùng chung ý chí với nhau. Bởi vậy, chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhau và tạo điều kiện cho tôi ghi nhận ý kiến của bà con một cách tự nhiên nhất”. Khi tôi nói thế thì người dân hiểu và vui vẻ.

Thực ra các luật liên quan đến vấn đề này, chẳng hạn như Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo đều không cấm việc công dân ghi âm, ghi hình khi được cơ quan nhà nước tiếp. Nên theo tôi, các cơ quan nhà nước không nên quy định người dân phải xin phép ghi âm, ghi hình khi cán bộ tiếp công dân.

Có thể hiểu lý do để hạn chế ghi âm, ghi hình là nhằm đề phòng những đối tượng ghi âm, ghi hình rồi cắt cúp, xuyên tạc. Thực ra cán bộ tiếp dân chịu rất nhiều áp lực. Bởi nguồn gốc của những vấn đề làm người dân phải bức xúc, khiếu nại không nằm ở chỗ tiếp dân. Đôi lúc người dân bức xúc thì lại đem bức xúc của mình đến cán bộ tiếp dân. Thực tế cũng có một số người quá khích…

Nhưng điều quan trọng hơn, nếu cán bộ, cơ quan nhà nước làm đúng quy định của pháp luật thì người dân có quay phim, chụp ảnh cũng không sao cả. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu luật đã không cấm quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân thì nếu có đưa quy định này vào nội quy của cơ quan nào đó là đã ảnh hưởng tới quyền hiến định của công dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của TP Hà Nội. Ảnh: THANH HẢI

Ông LÊ NAM, đại biểu Quốc hội khóa XIII:

Chủ tịch UBND tỉnh không thể… to hơn luật!

Theo tôi, việc tiếp công dân, nếu chỉ viện dẫn các quy định chung của hiến pháp về quyền giám sát của công dân, được công khai, thông tin… thì chưa đủ. Trong Luật Tiếp công dân đã có những quy định về nguyên tắc tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân có hai nguyên tắc đáng chú ý. Một là tiếp công dân thì phải công khai. Vậy phải hiểu công khai như thế nào? Điều này phụ thuộc vào hai chủ thể là cơ quan tiếp dân và công dân được tiếp. Hai là những vấn đề thuộc về bí mật trong nội dung tiếp công dân thì phải được đảm bảo giữ bí mật.

Công khai và không công khai là hai thành tố đi liền với nhau. Việc đảm bảo bí mật phụ thuộc vào nội dung của buổi tiếp công dân, đó là những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, hay những vấn đề công dân yêu cầu bí mật và những vấn đề mà các luật khác quy định không công khai.

Như vậy, lẽ ra các cơ quan nhà nước phải căn cứ vào luật để quy định rõ cái gì được công khai và cái gì không được công khai. Mà những điều này là nguyên tắc của pháp luật nên cần phải được tuân thủ.

Theo tôi, quy định phải xin phép cán bộ hoặc cơ quan tiếp công dân mới được quay phim, chụp ảnh là chưa đúng. Phải quy định những nội dung nào thì được quay phim, chụp ảnh, nội dung nào thì không được. Điều ấy tránh được việc có những trường hợp quay phim, chụp ảnh rồi cắt cúp đưa lên mạng xã hội không đảm bảo tính chính xác của sự việc.

Nếu có quy định rõ ràng về việc này thì người dân cũng chủ động hơn trong việc quay phim, chụp ảnh trong những trường hợp được phép theo luật định. Còn nếu công dân phải xin phép cán bộ để được quay phim, chụp ảnh thì hóa ra cán bộ… to hơn luật!? Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quy chế của việc tiếp công dân là đúng thẩm quyền nhưng cũng không được ban hành những quy định vượt trên luật, ngoài khuôn khổ luật.

Cục Kiểm tra văn bản đang nghiên cứu

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp, cho hay: “Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu để đối chiếu, so sánh quy định này với hiến pháp, các luật, nghị định có liên quan. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị trong địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ điều chỉnh của nội quy thế nào, yêu cầu về tính phù hợp với hiến pháp, luật… ra sao thì cần có đánh giá, phân tích cụ thể, cả tính hợp pháp, hợp lý”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm