Ngày 7-6, tại TP Đà Nẵng, Tòa án quân sự khu vực 1, Quân khu 5 tiếp tục phiên xét xử vụ án phá rừng pơ mu xảy ra tại biên giới huyện Nam Giang, Quảng Nam giữa năm 2016.
Bị cáo của vụ án này gồm Lê Xuân Chính (nguyên đại úy, đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam)) cùng 20 đồng phạm khác bị truy tố về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Bị cáo Chính (ngoài cùng, bên phải) cùng các bị cáo khác tại phiên tòa.
Tại phiên tòa ngày 7-6, trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ cho các bị cáo giữ nguyên quan điểm cho rằng HĐXX cần xem xét về ý thức chủ quan của các bị cáo trong vụ án này để có mức án hợp lý. Theo luận sư, có nhiều căn cứ cho rằng Chính và các bị cáo đều không ý thức được việc đang khai thác gỗ pơ mu tại khu vực rừng phòng hộ của Việt Nam.
Luật sư dẫn ra nhiều tình tiết chứng minh cho quan điểm trên. Đơn cử: Tháng 5-2016, Chính gọi điện thoại cho Tư nói: “Quang tìm được gỗ pơ mu khoảng vài chục khối, cách mốc 717 khoảng 5-6 km bên đất Lào. Khai thác, vận chuyển ra đến đường ô tô là 8 triệu đồng/m3. Có làm được không?”. Tư nói: “Giá như vậy chú xem làm được thì làm”. Trước khi vào khai thác, Quang dặn các bị cáo mang theo hộ chiếu để nhập cảnh; khai thác được ít ngày thì một số người hỏi Quang: “Việc khai thác, vận chuyển gỗ thế này có hợp pháp không?". Quang đáp: “Làm cho ông Chính biên phòng, làm cho Nhà nước, làm cho ông Tư giám đốc nên anh em yên tâm cứ làm tẹt ga, không sao đâu”...
“Chính vì có ý thức chủ quan cho rằng mình đang khai thác gỗ tại Lào và Chính là đồn phó đồn biên phòng, nghĩ làm cho cơ quan nhà nước nên các bị cáo mới tin tưởng và tiếp tục làm” - luật sư nhận định.
Bị cáo Quang tại phiên tòa.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng. VKS cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng vì các bị cáo ít học, nhận thức hạn chế, sinh ra ở những vùng quê nghèo nàn, lạc hậu nên không nhận thức được hành vi vi phạm của mình.
Về việc giữ nguyên quan điểm buộc tội đối với 21 bị cáo, dù cáo trạng có sự thay đổi so với lần đưa ra xét xử tháng 1-2018, VKS nhận định số gỗ bị chặt hạ được xác định là 37 cây, giảm bốn cây so với phiên tòa trước. Tuy nhiên, số lượng gỗ giảm không nhiều và vì hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng nên không giảm nhẹ mức án như đề nghị của các bị cáo.
Theo dự kiến, 15 giờ chiều 7-6, HĐXX sẽ tuyên án. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX cần có thêm thời gian nghị án nên thời gian tuyên án sẽ chuyển sang 9 giờ sáng mai (8-6).
Trước đó, tại phiên xử ngày 6-6, đại diện VKS đã đề nghị mức án 30-42 tháng tù đối với bị cáo Lê Xuân Chính và Nguyễn Văn Quang (Quang được xác định là người tham gia tích cực nhất trong việc khai thác, vận chuyển trái phép gỗ pơ mu).
Bị cáo Tiêu Hồng Tư bị đề nghị xử phạt 30-36 tháng tù treo; bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sanh và Lê Trọng Dương cùng bị đề nghị mức 24-30 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, từ ngày 5-6, Tòa án quân sự khu vực 1, Quân khu 5 đã mở phiên xét xử đường dây phá rừng pơ mu gây chấn động dư luận năm 2016. Trước đó, tại phiên xử từ ngày 19 đến 21-1-2018, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số vấn đề liên quan.
Theo cáo trạng, Chính, Quang và Tư (giám đốc Công ty Cổ phần Minh Hà, trụ sở tại TP Đà Nẵng) có quan hệ thân thiết với nhau. Đầu năm 2016, Quang vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ mu để khai thác.
Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ mu ở khu vực rừng khoảnh 5 và 8 tiểu khu 351 rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam), Tư, Chính và Quang thỏa thuận với nhau về giá công khai thác, vận chuyển.
Nhận quy cách xẻ gỗ và tiền, Quang đã thuê một nhóm người từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ trái phép. Hậu quả, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7-2016, rừng phòng hộ Nam Sông Bung khu vực khoảnh 5 và 8 tiểu khu 351 bị các đối tượng này chặt hạ, cưa xẻ 37 cây gỗ pơ mu (thuộc nhóm IIA, thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp). Tổng giá trị thiệt hại được xác định gần 3 tỉ đồng.