TAND Tối cao cần vào cuộc!

Ở nhiều nước, không phải lãnh đạo tòa án cấp trên mà chỉ cần một vị quan chức, dù là bộ trưởng mà gọi điện thoại cho thẩm phán hay tòa án can thiệp về vụ án là mất chức! Còn ở nước ta vẫn chưa thật sự nghiêm trị những ai có hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa nên vẫn còn những cú điện thoại từ cấp trên, từ bạn bè, người thân “xin cho bị cáo”.

Trên một tờ báo có thông tin chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận chỉ đạo cấp dưới “giúp đỡ” vì trong vụ án có bị cáo là người nhà của một lãnh đạo TAND Tối cao. Ông này còn nói: “Các anh phải hiểu cho tôi, cuộc đời ai cũng phải có cái tình. Cấp trên nhờ mình phải giúp, phải hóa giải, có lý có tình”. Không biết có đúng là có bị cáo là người nhà của một lãnh đạo TAND Tối cao không nhưng nếu đúng như vậy thì cũng dễ xác định qua công tác kiểm tra, thanh tra.

Ở đây có hai tình huống: Nếu có bị cáo là người nhà của một lãnh đạo TAND Tối cao thật nhưng vị lãnh đạo này không hề can thiệp thì lỗi hoàn toàn thuộc về chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh và chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh, do nể nang mà chỉ đạo cho treo. Còn nếu vị lãnh đạo TAND Tối cao cũng gọi điện thoại cho chánh án TAND tỉnh can thiệp thì vấn đề khác lắm rồi; phải xem vị lãnh đạo đó là ai mà lại hành xử như vậy.

Tôi còn nhớ vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông Phạm Hưng còn làm chánh án TAND Tối cao, có trường hợp một thẩm phán TAND Tối cao viết thư cho một HĐXX phúc thẩm, đưa cho luật sư đem đến. Sau khi bị phát hiện, vị thẩm phán này lập tức bị đình chỉ công tác, rút về làm thẩm tra viên. Một vị phó chánh án TAND Tối cao chỉ can thiệp cho một bị cáo được tha tù trước thời hạn cũng lập tức bị Chủ tịch nước bãi miễn. Nếu không xử lý nghiêm mà xuê xoa, dung túng cho việc làm sai trái này thì dân không còn tin vào công lý nữa! Rồi đây, không chỉ ở Hà Tĩnh mà các tỉnh, thành khác thấy Hà Tĩnh làm được thì chẳng dại gì mà không “bắt chước”.

Một vụ án được xét xử lưu động, tòa đã chuẩn bị chu đáo, có rất nhiều người đến dự phiên tòa, 3/4 bị cáo là những người có tiền sự về hành vi đánh bạc mà vẫn cho hưởng án treo sai thì lại càng nghiêm trọng. Xử sai thì tuyên truyền, giáo dục cái gì cho dân?

Tôi rất hoan nghênh việc Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kịp thời có công văn đề nghị Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin báo chí phản ánh, yêu cầu nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm, báo cáo kết quả về Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh trước ngày 30-10. Thế còn lãnh đạo TAND Tối cao thì sao, tôi nghĩ cũng cần phải vào cuộc sớm. Việc xử lý thông tin báo chí nêu cần làm khẩn trương với tinh thần nghiêm túc và thông tin cho người dân biết.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự  TAND Tối cao

Nội dung vụ án

Ngày 30-4, công an ập vào nhà Phạm Đức Thảo tại tổ 9, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh bắt quả tang Thảo và Nguyễn Tiến Hải, Lê Xuân Trường, Hoàng Văn Thắng đang dùng bài tú lơ khơ đánh bạc, thu giữ 3,8 triệu đồng tiền tang vật. Trong đó, Thảo là người khởi xướng, dùng nhà mình làm địa điểm, là người thực hiện hành vi đánh bạc từ khi bắt đầu đến khi bị phát hiện.

Ngày 12-8, TAND thị xã Hồng Lĩnh mở phiên tòa sơ thẩm lưu động, phạt Thảo 12 tháng tù treo, Hải và Trường mỗi bị cáo chín tháng tù treo, Thắng sáu tháng tù treo về tội đánh bạc.

Điều đáng nói là Thảo, Hải và Trường đều đang có tiền sự (ngày 18-12-2014 cả ba bị Công an huyện Nghi Xuân xử phạt vi phạm hành chính mỗi người 1,5 triệu đồng về hành vi đánh bạc). Chính vì vậy mà ngày 25-8, VKSND thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm theo hướng không cho ba bị cáo Thảo, Hải và Trường được hưởng án treo. Theo VKS, việc tòa án cho các bị cáo hưởng án treo là chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo, đồng thời trái với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Trả lời báo chí, ông Lương Sỹ Nam (Thẩm phán TAND thị xã Hồng Lĩnh, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) cho biết: “Các anh đọc bản án thì thấy nếu không có chỉ đạo thì không ai làm việc này cả”. Ông Bùi Xuân Cần (Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh) nói thêm: “Vụ án này quá rõ ràng rồi, phải xử tù giam nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng (Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) thừa nhận có gọi điện thoại chỉ đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh về vụ án này. “Trong vụ án này, có một bị cáo là người nhà của một lãnh đạo TAND Tối cao. Các anh phải hiểu cho tôi, cuộc đời ai cũng phải có cái tình. Cấp trên nhờ mình phải giúp, phải hóa giải, có lý có tình” - ông Thắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm