Vụ BS Lương: Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng

Ngày 15-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ hai. HĐXX lần lượt thẩm vấn các bị cáo, trong đó có Hoàng Công Lương.

Chỉ nghe nói đã ra y lệnh

Được chủ tọa hỏi về tình trạng sức khỏe, Hoàng Công Lương cho biết hơi mệt nhưng sẽ cố gắng trả lời. Bị cáo cho hay đã làm đơn khiếu nại bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, vì cho rằng nguyên nhân gây chết người là do hóa chất tồn dư trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng chứ không liên quan đến công tác điều trị của bác sĩ. Hơn thế, hành vi mà VKS mô tả đối với bị cáo cũng không đúng.

Lương khai mình được phân công công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo với chức danh bác sĩ điều trị. Bị cáo được cử đi học hai tháng tại BV Bạch Mai về kỹ thuật lọc máu. Quá trình học gồm bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên, mỗi đối tượng sẽ nghiên cứu sâu theo lĩnh vực chuyên môn của mình. Bản thân bị cáo được học tổng quan về xử lý nước cũng như ý nghĩa của nước trong lọc máu, sau đó là đào tạo sâu về kỹ thuật lọc máu.

bị cáo cho rằng theo quy chế khoa Lọc máu, việc đảm bảo chất lượng nước thuộc trách nhiệm của trưởng khoa. Tuy nhiên, tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, do Đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư nên trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm thuộc về kỹ sư của phòng Vật tư cũng như bên sửa chữa, bảo dưỡng.

Trả lời câu hỏi sau khi sửa chữa thì cần làm thủ tục gì trước khi đưa hệ thống vào sử dụng, bị cáo Lương nói vấn đề này không thuộc trách nhiệm của bị cáo. Trước khi ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân vào sáng 29-5-2017, bị cáo cũng như mọi người trong đơn nguyên được điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống lọc nước RO số 2 đã sửa chữa xong.

Bị cáo Hoàng Công Lương (phải) tại tòa ngày 15-1. Ảnh: TUYẾN PHAN

“Chỉ nghe thông báo gián tiếp từ điều dưỡng Điệp”

Theo cáo trạng, khi nghe điều dưỡng Điệp (là người không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, dù chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao để đưa vào sử dụng, bị cáo Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của hai bác sĩ khác đối với 18 bệnh nhân.

Để làm rõ điều này, HĐXX đặt ra hàng loạt câu hỏi với bị cáo Lương: Bị cáo chỉ nghe duy nhất điều dưỡng Điệp thông báo nhưng đã ra y lệnh? Ngoài điều dưỡng Điệp ra, có ai thông báo với bị cáo không? Điều dưỡng Điệp có phải là người chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn nước?...

Trả lời tòa, bị cáo Lương cho rằng điều dưỡng Điệp là nhân viên của đơn nguyên, khi Trần Văn Sơn thông báo cho điều dưỡng Điệp, sau đó điều dưỡng Điệp thông báo cho mọi người, tất cả đều tin tưởng là chất lượng nước đủ điều kiện. Bên cạnh đó, phòng Vật tư đã bàn giao và đưa cho đơn nguyên sử dụng thì đương nhiên là nguồn nước đảm bảo.

bị cáo Lương cũng thừa nhận không được Sơn hay ai đó thông báo trực tiếp, mà chỉ nghe gián tiếp từ điều dưỡng Điệp rằng hệ thống lọc nước RO số 2 đã sửa chữa xong.

Biết nguy hiểm nhưng không cảnh báo, ngăn cản

Bị cáo Trần Văn Thắng, cựu trưởng phòng Vật tư và thiết bị y tế, khai tại cuộc họp giao ban sáng 29-5-2017, Sơn báo cáo đã sửa chữa xong hệ thống RO số 2. bị cáo hiểu rằng đây mới chỉ xong phần sửa chữa, còn phần xét nghiệm nước là chưa xong, do đó bị cáo chỉ đạo Sơn làm các thủ tục tiếp theo (bàn giao lại tài sản cho khoa Hồi sức tích cực, lấy mẫu nước đi xét nghiệm...).

bị cáo Thắng khẳng định có nắm được nội dung xét nghiệm nước nằm trong danh mục hợp đồng, tùy từng đợt, thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm có khi 10 ngày, có khi ít hơn.

Nghe đến đây, chủ tọa ngay lập tức đặt vấn đề bị cáo có cảnh báo đối với khoa Hồi sức tích cực cũng như đơn nguyên lọc máu về việc không được sử dụng hệ thống RO số 2, phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước hay không. Cựu trưởng phòng Vật tư không trả lời trực tiếp mà nói rằng quản lý về sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý về sử dụng là hoàn toàn khác nhau. Sửa chữa và bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của phòng Vật tư, còn sử dụng thì lại là trách nhiệm của khoa Hồi sức tích cực.

HĐXX nhấn mạnh: Với trách nhiệm của người đứng đầu phòng Vật tư, có chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, quyền hạn về đảm bảo an toàn trang thiết bị thì bị cáo phải cảnh báo. Lúc này bị cáo Thắng mới trả lời là “không”, bởi việc cảnh báo không có trong thẩm quyền của bị cáo.

Tương tự, bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) đều khai rằng sáng 29-5-2017 có thấy Đơn nguyên thận nhân tạo đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng dù chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Tuy nhiên, cả hai đã không ngăn cản việc này. Quốc và Sơn nhận trách nhiệm đối với hành vi trên.

Hôm nay, 16-1, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...