Sau bài viết của luật sư HỒ NGỌC DIỆP (Đoàn Luật sư TP.HCM) về việc xác định tội danh đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi lại của các chuyên gia pháp luật.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao
Dấu hiệu phân biệt hai tội danh
Về nguyên tắc "định tội theo hành vi" và "cho đến nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào trực tiếp minh thị vấn đề này..." như bài viết nêu, theo tôi, những điều pháp luật chưa quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự thì chúng ta có quyền tham khảo dưới dạng khoa học hoặc nghiên cứu để tìm ra những điều hợp lý và những điều chưa hợp lý của điều luật, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, việc định tội trong vụ án hình sự buộc chúng ta phải tuân theo pháp luật một cách nghiêm ngặt. Theo đó, Điều 8 BLHS hiện hành quy định một hành vi được coi là tội phạm khi hành vi đó "là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ chính trị, CHẾ ĐỘ KINH TẾ, nền văn hóa..., xâm phạm TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE... của công dân...".
Điều 153 BLHS hiện hành quy định cấu thành cơ bản của tội buôn lậu là: "Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...". Điều 157 BLHS hiện hành quy định cấu thành cơ bản của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là: "Người nào buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh... thì bị phạt tù...".
Ngoài sự giống nhau về các dấu hiệu: chủ thể, chủ quan, hành vi ở mặt khách quan và khách thể xâm phạm là "chế độ kinh tế" của hai tội danh trên thì tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" còn xâm phạm thêm một khách thể nữa là "tính mạng, sức khỏe của công dân". Dấu hiệu này là yếu tố khác biệt để định tội các bị cáo, buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh...
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Xử tội buôn bán hàng giả... mới đúng
Trước tiên cần khẳng định lại qua diễn biến các phiên tòa sơ, phúc thẩm đã xác đinh được: Nguyễn Minh Hùng cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu kỹ thuật thuốc, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để làm hồ sơ xin nhập khẩu thuốc cũng như các thủ tục để nhập lô hàng H-Capita. Kết luận của cơ quan chức năng qua quá trình tố tụng là thuốc mà các bị cáo đã nhập là hàng giả.
Cùng một hành vi này đã tác động trực tiếp đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ: xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước (tội buôn lậu Điều 153 BLHS hiện hành), xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS hiện hành). Hành vi khách quan của các bị cáo vừa có dấu hiệu của tội buôn lậu là buôn bán hàng hóa trái phép qua biên giới, đồng thời cũng vừa có dấu hiệu buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, xét tổng hợp các hành vi khách quan mà các bị cáo đã thực hiện từ việc làm giả giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới; giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (do Bộ Y tế Canada cấp); con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… thì tất cả hành vi này đều nhắm đến mục đích cuối cùng là để nhập về và tiêu thụ hàng giả là thuốc chữa bệnh trên thị trường trong nước bất chấp hậu quả xảy ra.
Như vậy rõ ràng khách thể là chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh được nhắm đến nhiều và nghiêm trọng hơn so với khách thể là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước, tất cả hành vi khác chỉ nhằm mục đích để người tiêu dùng tin rằng thuốc giả là “thuốc thật”.
Điều 157 BLHS hiện hành quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù…”. như vậy nội dung của điều luật không khống chế nguồn gốc, xuất xứ của hàng giả là trong nước hay ngoài nước, việc buôn bán có vượt qua biên giới hay không, chỉ cần có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh là đã cấu thành tội phạm này.
Chính vì vậy, việc xử lý các bị cáo trong trường hợp này phụ thuộc vào nhận định của các cơ quan tố tụng về khách thể trực tiếp đã bị xâm hại bởi hành vi vi phạm của các bị cáo.
Theo tôi, trong trường hợp này hành vi đã diễn ra của các bị cáo đều thu hút và hướng tới việc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, yếu tố buôn bán trái phép qua biên giới (trong tội buôn lậu) chỉ là một khâu trong chuỗi hành vi khách quan nhằm phục vụ cho mục đích cuối cùng là tiêu thụ thuốc giả ra thị trường nhằm thu lợi nhuận. Do vậy, việc trả hồ sơ và điều tra đối với các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hoàn toàn phù hợp theo quy định hiện hành.
ThS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, giảng viên môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Vận dụng nguyên tắc thu hút tội phạm
Phải xử tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mới thể hiện được nguyên tắc “thu hút tội phạm”. Tuy nhiên, trước hết cần phải chờ kết luận giám định lô thuốc trên là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả.
Giả định trong trường hợp này lô thuốc là thuốc giả.
Một điểm chưa rõ ràng của BLHS hiện hành là tội phạm được quy định tại Điều 157 không đề cập về hành vi “buôn bán qua biên giới”. Chính vì vậy, tòa án thường rất phân vân để áp dụng Điều 153 hay Điều 157 cho hành vi “buôn bán hàng giả qua biên giới”. Nếu lô thuốc này được giám định là hàng giả thì cần phải xử lý về tội phạm theo Điều 157 bởi lẽ, hình phạt quy định tại điều này cao hơn so với hình phạt của tội buôn lậu. Một hành vi trên thực tiễn vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội buôn lậu vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội buôn bán hàng giả thì cần phải xử lý ở tội phạm có hình phạt nặng hơn, bởi lẽ hình phạt là thước đo tính nguy hiểm của tội phạm, qua đó mới thể hiện được nguyên tắc “thu hút tội phạm” trong Khoa học pháp lý hình sự.
Nếu một tội phạm cụ thể mạnh hơn một tội khác thì tội mạnh hơn sẽ thu hút tội yếu hơn và do đó chúng ta chỉ xét xử về một tội là tội mạnh hơn. Trong trường hợp này, tội yếu hơn sẽ bị thu hút thành tình tiết định khung của tội mạnh hơn hoặc tình tiết của vụ án.