Có một tờ báo đọc bằng tay

Có một tờ báo đọc bằng tay ảnh 1

Ông Enomoto vẽ hình - Ảnh: Duyên Trường

1. The Braille Mainichi (Điểm Tự Mỗi Nhật) là tờ báo duy nhất tại Nhật Bản dành cho người khiếm thị thuộc Tập đoàn báo chí Mainichi Shimbun. Chúng ta gọi hệ thống chữ Braille là chữ nổi, trong khi người Nhật gọi là điểm tự, tức chữ được tạo ra từ những điểm mà người khiếm thị có thể “đọc” bằng xúc giác.

Tiếp chúng tôi trong một căn phòng giản dị tại trụ sở ở Osaka, ông Takashi Nohara, phó tổng biên tập, tự hào giới thiệu về tờ báo có lịch sử 89 năm phục vụ không hề gián đoạn kể cả trong những năm tháng Chiến tranh thế giới thứ hai. Trên tường hành lang là những bức ảnh đen trắng kể lại lịch sử ra đời của tờ báo.

Ngày ấy, nội bộ những người làm báo Mainichi đã tranh cãi gay gắt cùng với không ít chỉ trích từ bên ngoài. Có bao nhiêu người khiếm thị ở Nhật biết chữ Braille mà đọc báo? Làm sao mà tờ báo như thế bán được hay là phải phát không, cho không? Và in bằng cách nào?... Người lãnh đạo tờ báo lúc đó, ông Yamamoto Hikoichi, đã xác quyết nhất định phải làm “vì làm báo không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận”.

Từ số báo đầu tiên ra đời ngày 11-5-1922, tuần báo The Braille Mainichi hiện gồm 60 trang chữ nổi khổ A4 (tương đương 12 trang chữ in thường khổ A3), phát hành 12.000 cuốn/kỳ (số lượng người khiếm thị tại Nhật hiện nay, theo ông Nohara, khoảng 300.000 người). Báo phát hành qua đường bưu điện với giá 400 yen/cuốn, giao tận nhà (không tính phí vận chuyển) và bán sang cả Trung Quốc, vào cả thư viện Hàn Quốc, dĩ nhiên là cho người Nhật tại các nơi ấy đọc.

Cũng cần nói rõ rằng đây không phải là một phiên bản của nhật báo Mainichi, mà là một tờ báo riêng, một kênh thông tin về giáo dục, văn hóa, đời sống và phúc lợi xã hội dành cho cộng đồng người khiếm thị. Báo có tin tức riêng, lực lượng biên tập riêng, bộ máy phát hành, quảng cáo riêng và kinh doanh độc lập với nguồn thu từ tiền bán báo, tiền quảng cáo và kinh phí đóng góp từ các hoạt động từ thiện. Nó có một phiên bản, in ấn thông thường dành cho thân nhân của người khiếm thị có thể mua để cùng xem.

Có một tờ báo đọc bằng tay ảnh 2

Ông Hirai sử dụng phần mềm tự động chuyển văn bản thông thường sang chữ nổi - Ảnh: Duyên Trường

2. Cầm số báo thứ 4536 ra ngày 10-4-2011, chúng tôi tò mò “xem” nội dung là những gì. Đúng như ông Nohara đã nói, tờ báo cố gắng đứng về phía người khiếm thị để đáp ứng các nhu cầu về thông tin mà họ quan tâm. Ngoài tin tức thời sự (như câu chuyện về hậu thảm họa 11-3, hoạt động tình nguyện, cứu trợ...), tờ báo có những chuyên mục rất thú vị, bổ ích.

Mục “Làng xóm - Quốc gia - Thế giới” tổng hợp thông tin từ địa phương đến thế giới. Mục “Hán tự thông dụng” và “Điểm tự” nhằm giúp người khiếm thị tự học tiếng Nhật và chữ nổi. Diễn đàn “Đông Tây Nam Bắc” như một kiểu chuyện bốn phương. Trang bạn đọc đăng các loại truyện ngắn, đoản văn, thơ ca của người khiếm thị.

Báo có cả truyện đăng nhiều kỳ, thông tin thiết thực như lịch phát sóng của Đài phát thanh NHK, chương trình radio trên Internet, các lớp học, hòa nhạc, tour du lịch người khiếm thị có thể tham gia, hoạt động của Hội Người khiếm thị, tin cần biết về dịch vụ và phúc lợi xã hội cho người khiếm thị... Và có cả một số mẩu quảng cáo.

Có một tờ báo đọc bằng tay ảnh 3

Ông Saki đọc hiệu đính - Ảnh: Duyên Trường

3. Tòa soạn, kể cả bà tổng biên tập Mariko Okada, gồm có sáu người, trong đó ông Saki, cũng là người khiếm thị, chuyên đọc lại các bản thảo bằng chữ nổi trước khi cho đi làm bản kẽm. Nơi đây có một phần mềm chuyển tự động các văn bản từ chữ thường sang chữ nổi. Một máy đặc biệt gồm có ba đầu kim nhọn và một cái chày sẽ đập từng dòng chữ nổi lên bản kẽm.

Bản kẽm sẽ toàn là những điểm chìm nổi chi chít và từ đó, một máy in chuyên dụng (do Đức sản xuất) in với tốc độ 8.000 trang trên giấy khổ A4 trong một tiếng đồng hồ trước khi chuyển sang xếp trang, đóng xén và đóng kim cũng tự động bằng máy.

Điều bất ngờ là ở đây, các công nhân đã sáng chế một máy “vẽ” tranh, bản đồ, sơ đồ, nhìn như một chiếc máy khâu. Ông Enomoto, người đã làm việc nơi đây hơn 40 năm, biểu diễn cho mọi người xem cách tạo ra một bức tranh gồm toàn các điểm nổi trên giấy. Ngắm bức tranh Cổ thành Osaka và bản đồ Afghanistan, chúng tôi thật xúc động...

Rời khỏi trụ sở nhật báo Mainichi tại Osaka, chúng tôi còn nhớ những việc nhỏ khó quên: danh thiếp của tất cả lãnh đạo đều có in kèm chữ nổi, tất cả hành lang đều có lối đi cho người khiếm thị dò gậy, bên trong thang máy cũng có chữ nổi ở bảng điều khiển...

Không chỉ là cây cầu kết nối người khiếm thị với xã hội, The Braille Mainichi còn góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào học chữ Braille, in sách giáo khoa bằng chữ Braille và cả phiếu bầu cử cho người khiếm thị. Năm 1925, chính quyền Tokyo đã công bố phiếu bầu bằng chữ Braille có tính hợp lệ như các phiếu bầu bình thường.

Theo DUYÊN TRƯỜNG (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm