Cựu giám đốc FBI có ‘làm khổ’ ông Trump?

Ông Robert Mueller, 72 tuổi, là giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ năm 2001 đến 2013 dưới thời Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama. Trước đó ông từng làm sĩ quan trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và là một công tố viên.

Nhà điều tra chính trực

Quyết định bổ nhiệm ông Mueller được đưa ra sau một tuần Nhà Trắng “hỗn loạn” khi ông Trump bất ngờ sa thải giám đốc FBI James Comey. Một bản ghi nhớ của ông Comey sau đó bị rò rỉ cho thấy ông Trump từng đề nghị ngừng điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ trợ lý của chiến dịch tranh cử với Nga. Điều này làm dấy lên hoài nghi về việc ông Trump liệu đã cố can thiệp vào cuộc điều tra của FBI và “gây cản trở công lý”.

Cựu giám đốc FBI được biết đến như là một nhà điều tra nhận được sự kính trọng của cả hai phe Dân chủ lẫn Cộng hòa. Cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2011 từng yêu cầu Quốc hội kéo dài thời gian nhiệm kỳ của ông Mueller từ 10 năm như bình thường thành 12 năm. Việc gia hạn này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với tỉ lệ ủng hộ tuyệt đối.

Theo các đồng nghiệp, ông Robert Mueller là người có quan điểm cứng rắn, không dễ dàng bị sức ép chính trị làm nao núng. Năm 2004, ông và thứ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó là ông James Comey đã đe dọa từ chức nếu cựu Tổng thống George W. Bush phê duyệt chương trình nghe lén điện thoại không cần trát tòa của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Cựu Tổng thống Bush sau đó đã phải nhượng bộ thay đổi chương trình này.

Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller được Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ảnh: AP

Quyền hạn tới đâu?

Với cương vị là một công tố viên đặc biệt, ông Mueller có quyền lựa chọn có nên tham khảo ý kiến hay thông báo cho Bộ Tư pháp về cuộc điều tra của mình hay không. Ông được ủy quyền điều tra “bất kỳ liên kết hay sự phối hợp nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên quan đến chiến dịch của Tổng thống Donald Trump”, cũng như các vấn đề khác “có thể phát sinh trực tiếp” từ việc điều tra. Ông Mueller cũng có quyền truy tố hình sự và yêu cầu hỗ trợ thêm các nguồn lực phục vụ điều tra.

Trong tuyên bố bổ nhiệm công tố viên đặc biệt, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết việc bổ nhiệm này là vì lợi ích của công chúng. “Việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt là cần thiết để người Mỹ tin tưởng hoàn toàn vào kết quả cuối cùng chứ không phải nhằm truy tìm tội phạm hay truy tố” - ông Rosenstein nói. Thứ trưởng Tư pháp Mỹ trước đó đã phải chịu áp lực lớn từ cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa sau khi bị Nhà Trắng quy trách nhiệm chính cho việc sa thải ông Comey.

Tờ Politico dẫn lời các cựu trợ lý cao cấp trong Nhà Trắng đánh giá cuộc điều tra độc lập của ông Mueller sắp tới sẽ khiến Nhà Trắng gặp nhiều khó khăn, vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần và cách làm việc của cả các nhân viên có liên quan đến vụ điều tra lẫn những người không liên quan.

“Chắc chắn ông ấy sẽ điều tra đến cùng bất cứ ai làm rò rỉ thông tin mật phục vụ điều tra. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Mueller đã làm việc chăm chỉ để xử lý những vụ việc có tính chất nghiêm trọng nhất và ông ấy chỉ tập trung vào công việc mà thôi” - luật sư George J. Terwilliger III, người từng làm việc cùng ông Mueller, nhận xét.

“Không chỉ là một trong những người giỏi nhất, Robert Mueller chính là người giỏi nhất tôi từng gặp” - hãng tin CNN dẫn lời ông Philip Mudd, cựu quan chức cấp cao của FBI, nhận xét. Cả cựu Tổng thống Obama cũng từng dành lời khen cho ông Robert Mueller, nói rằng “hiếm có người chính trực và vững vàng trước áp lực như ông Mueller”.

___________________________

Không có ai giỏi hơn ông ấy trong việc kiên trì theo đuổi mục tiêu mà không chịu bất kỳ sức ép từ Quốc hội, tổng thống, truyền thông.

Ông Philip Mudd, cựu quan chức cấp cao của FBI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm