Donald Trump nhậm chức tổng thống

Hai tháng rưỡi sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức vào trưa 20-1 (giờ địa phương) tại Washington, D.C., chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Ông Trump kêu gọi đoàn kết

sáng 20-1 ông Donald Trump và phu nhân Melania vào Nhà Trắng dùng trà với Tổng thống Obama và phu nhân Michelle. Sau đó, họ đã cùng đi đến tòa nhà Quốc hội.

Tối hôm trước lễ nhậm chức, ông Trump đã phát biểu bên thềm đài tưởng niệm Lincoln. Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ hành động để nước Mỹ trở nên vĩ đại trên toàn cầu”.

Ông hứa nhiệm kỳ của ông sẽ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Mỹ. Ông nói: “Chúng ta sẽ khôi phục việc làm. Chúng ta sẽ không để các nước khác đánh cắp việc làm của chúng ta. Chúng ta sẽ phát triển quân đội hùng mạnh”.

Tập trung trước đài tưởng niệm Lincoln là các cử tri ủng hộ ông đến từ mọi miền đất nước.

Anh Taylor, 29 tuổi tin tưởng ông Trump là người thẳng thắn và sẽ làm nhiều điều thực tế hơn.

Khi bài quốc ca cất lên, tất cả cởi chiếc mũ đỏ có dòng chữ “Make America Great Again” và đặt tay lên trái tim.

Tổng thống  đắc cử Donald Trump và phu nhân vào nhà trắng gặp Tổng thống Obama trước khi đến lễ nhậm chức. Ảnh: AP

New York xuống đường

Tối 19-1, tại Washington, D.C., những người bất đồng với các chính sách của ông Trump đã xuống đường bất chấp cái lạnh. Vài vụ va chạm nhỏ xảy ra với cảnh sát.
Tại New York, số người biểu tình trước tòa nhà Trump Tower đông hơn ở thủ đô.

Dẫn dắt biểu tình có các nhân vật của công chúng như diễn viên Robert de Niro, diễn viên Alec Baldwin, đạo diễn Michael Moore và Thị trưởng Bill de Blasio.

Các diễn giả kêu gọi những người biểu tình phản đối âm mưu trục xuất người nhập cư lậu hay người theo đạo Hồi.

Thị trưởng Bill de Blasio hô hào: “Ngày mai chưa phải là hồi kết mà chỉ mới bắt đầu…. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu”.

New York vốn là địa bàn ủng hộ bà Hillary Clinton. GS Sam Abrams ở ĐH Sarah Lawrence (New York) nhận xét New York có thể trở thành đầu mối phản đối chính quyền mới của ông Trump trong thời gian tới.

Con gái ông Trump bênh cha

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC vài giờ trước lễ nhậm chức tổng thống, bà Ivanka Trump (35 tuổi), con gái của ông Trump, đã kêu gọi những người phản đối ông Trump nên cho cha bà một cơ hội.

Bà thừa nhận nước Mỹ rất chia rẽ nhưng “tôi đã nhìn thấy trong đời tôi cha tôi là một người biết kiến tạo đoàn kết khó tin nổi”. Bà mẹ của ba người con hô hào: “Tôi kêu gọi mỗi người phản đối hãy để ông ấy có thời gian, hãy để ông ấy làm nhiệm vụ, hãy để ông ấy chứng tỏ các bạn vô lý”.

Nhắn gửi đến các phụ nữ sẽ tham gia sự kiện “Cuộc tuần hành phụ nữ” được tổ chức hôm 21-1 tại Washington, D.C., bà Ivanka Trump bảo đảm ông Trump đã chứng tỏ “suốt cả cuộc đời ủng hộ và bảo vệ phụ nữ”.

86% số người Mỹ được hỏi đánh giá nước Mỹ hiện nay chia rẽ về chính trị hơn ngày trước theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 19-1. Tỉ lệ này là 46% lúc ông Obama nhậm chức năm 2009.

Học thuyết “sương mù chiến tranh” của ông Trump

Là một người không có kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao hay quân sự, tỉ phú bất động sản Donald Trump, 70 tuổi đã lãnh đạo một cường quốc đứng đầu thế giới kể từ ngày 20-1. Sự kiện này đã dẫn đến nhiều lo ngại trên thế giới, kể cả các nước đồng minh của Mỹ.

Ngày 19-1, cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper nhận xét Tổng thống Trump sẽ “lật đổ nền tảng bảy thập niên chính sách đối ngoại của Mỹ”. Bằng thông tin có được, ông cho biết Mỹ sẽ bớt tham gia vào các vấn đề quốc tế, định hướng chiến lược qua xem xét lợi ích kinh tế và sẽ xem Trung Quốc là “đối thủ địa chính trị”.

Báo Huffington Post (Pháp) đã so sánh ông Trump với Tổng thống Richard Nixon (cầm quyền từ năm 1969 đến 1974).

Nixon đã từng tuyên bố trong chính sách đối ngoại ông sẽ áp dụng “chiến lược kẻ điên”. Ông sẽ khiến cho Liên Xô và Việt Nam tin rằng Nixon là người không thể dự đoán bởi Nixon là kẻ điên và bị tư tưởng chống Cộng ám ảnh. Như vậy kẻ thù của Mỹ sẽ không thể đoán trước ý đồ.

Trump được so sánh với Nixon bởi ông đã đưa ra nhiều tuyên bố mâu thuẫn và rất khó dự đoán. Ngay cả những người được ông đề cử vào nội các cũng nói trái ngược với ông về Nga, Israel hay về Mexico, Đức.

Nhà lý luận quân sự Carl von Clausewitz, người Đức (thế kỷ 19) đã đề ra khái niệm “sương mù chiến tranh” (nebel des krieges) để nói đến thông tin mập mờ trong quân sự. Trump cũng thế, trước khi ông lên cầm quyền, không ai biết các định hướng tương lai của ông là gì, đặc biệt về đối ngoại.

Tại hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), các đại biểu Trung Quốc đã so sánh Donald Trump với Đặng Tiểu Bình.

Chuyên gia kinh tế Lý Đạo Quỳ, giáo sư ĐH Thanh Hoa khẳng định: “Tổng thống Donald Trump và câu khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không làm chúng ta ngạc nhiên. Đó là những gì Đặng Tiểu Bình đã phát biểu về Trung Quốc: Một quốc gia trước hết phải mạnh trước khi đối phó với các nước khác”.

Lý Đạo Quỳ giải thích ông Trump phản ánh hình ảnh chung của các nhà lãnh đạo phương Tây. Ở phương Tây, lãnh đạo là phẩm chất tự thân xuất hiện trước khi hành động. Ngược lại, theo triết lý Khổng Tử của người Trung Quốc, nhà lãnh đạo là người hành động trước rồi bản chất lãnh đạo mới dần dần bộc lộ.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm