Philippines và Nhật đối phó Trung Quốc

Biển Đông: Làm sao ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng?” là đầu đề bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 23-9. Hai tác giả bài viết là Dennis Blair và Jeffrey Hornung thuộc Quỹ Hòa bình Sasakawa.

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã điều 36 tàu cảnh sát biển, tàu tuần duyên, tàu kiểm ngư đến quanh quần đảo Senkaku của Nhật trên biển Hoa Đông. Gần 200-300 tàu cá Trung Quốc cũng xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải.

Tại biển Đông, nhiều sà lan và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xuất hiện quanh bãi cạn Scarborough của Philippines. Giữa tháng 9, Trung Quốc còn cùng Nga tập trận đổ bộ trên biển Đông.

Từ đó, Nhật và Philippines lo ngại Trung Quốc âm mưu thay đổi nguyên trạng như chiếm đóng hay phong tỏa các thực thể địa lý.

Để đối phó, hai nước đã dùng đến các biện pháp ngoại giao. Nhật đã nhiều lần phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển Nhật. Manila đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos sang Trung Quốc để tính đến giải pháp đàm phán.

Song hai chuyên gia Dennis Blair và Jeffrey Hornung nhận định ngoại giao mà không đi kèm với đe dọa quân sự thì sẽ khó thành công.

Tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn của Trung Quốc và tàu chống tàu ngầm Đô đốc Tributs của Nga  tham gia tập trận trên vùng biển Quảng Đông ngày 16-9. Ảnh: THX

Do đó, hai chuyên gia đề nghị:

Mỹ phải làm rõ tranh chấp Senkaku và tranh chấp Scarborough về cơ bản phải khác các tranh chấp khác. Bất cứ hành động gây hấn nào của Trung Quốc liên quan đến hai tranh chấp trên đều sẽ kích hoạt nghĩa vụ bảo vệ an ninh cho hai nước đồng minh của Mỹ. Mỹ đã nói rõ điều này trong tranh chấp Senkaku nhưng trong tranh chấp Scarborough thì chưa.

Mỹ phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong bảo vệ các thực thể địa lý thuộc lãnh thổ của hai đồng minh Nhật và Philippines. Tuy nhiên, Nhật và Philippines phải tự tiếp tục tăng cường khả năng bảo vệ các thực thể địa lý của mình.

Ngoài ngoại giao và quốc phòng, Nhật và Philippines nên có kế hoạch dự phòng để bảo vệ các thực thể địa lý.

Trong cuộc chiến giành Senkaku, Trung Quốc chưa chắc giành được chiến thắng dễ dàng. Lực lượng phòng vệ Nhật không được Mỹ hỗ trợ vẫn có thể khiến Trung Quốc cuốn gói bằng một chiến dịch tấn công chớp nhoáng.

Khả năng của không quân và hải quân Philippines tuy yếu hơn so với Trung Quốc nhưng Philippines có thể dùng chiến thuật du kích tập trung vào bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách bờ biển Philippines 160 km.

Bằng cách thường xuyên luyện tập các kế hoạch tác chiến nêu trên tại vùng biển gần với khu vực tranh chấp, Nhật và Philippines sẽ phát đi tín hiệu cho Trung Quốc. Mỹ cũng nên hỗ trợ các kế hoạch này và tham gia tập trận.

Mỹ, Nhật và Philippines nên chuẩn bị một chiến lược kinh tế để đối phó Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn và có thể tiến hành các biện pháp trả đũa các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, bản chất phụ thuộc lẫn nhau của thương mại sẽ khiến nước này bị tổn thương.

Một loạt lệnh trừng phạt và cấm vận trên phạm vi toàn cầu (sẽ được kích hoạt sau khi Trung Quốc cố chiếm Senkaku hay Scarborough) sẽ khiến kinh tế vốn phát triển chậm của Trung Quốc thêm chao đảo.

Tóm lại, theo Dennis Blair và Jeffrey Hornung, khả năng quốc phòng mạnh và một kế hoạch dự phòng hiệu quả sẽ giúp Nhật và Philippines ngăn chặn được Trung Quốc.

Hai chuyên gia Dennis Blair và Jeffrey Hornung nhận định Mỹ, Nhật và Philippines không nhất thiết phải có phản ứng với bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc, ngoại trừ một vụ tấn công thực tế. Các nước này có thể triển khai lực lượng đến khu vực để Trung Quốc bỏ đi suy nghĩ Trung Quốc đang kiểm soát quyền tiếp cận các thực thể địa lý đang tranh chấp. Quan trọng hơn các nước cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

__________________________________

50 tỉ USD đã được chính phủ Nhật đề nghị cho ngân sách quốc phòng, chủ yếu chi tiêu cho công tác bảo vệ đảo. Philippines cũng đã yêu cầu ngân sách 2,9 tỉ USD để mua tàu, máy bay và radar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm