Quân đội Nga đang trải qua quá trình hiện đại hóa vũ khí quy mô lớn, cho phép các quân chủng sử dụng những hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov – người giám sát tổ hợp quân sự công nghiệp và chính sách quân sự-công nghệ, phát biểu tại Học viện quân sự Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga ngày 5-7, theo RT.
Một vụ thử nghiệm ICBM Sarmat. Ảnh: RT
Một số vũ khí mới dự định đi vào biên chế trong quân đội Nga từ năm 2018 đến năm 2027, bỏ xa những hệ thống vũ khí hiện tại thậm chí cả tương lai mà các quốc gia khác, trong đó có các nước thành viên NATO, đang sử dụng. Như lời ông Borisov, đây là sáu vũ khí có lợi thế hơn hẳn.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat
ICBM hạng nặng mới “Quỷ sa tăng” Sarmat là một trong những vũ khí hiện đại nhất, gây xôn xao nhiều nhất. Sarmat là một trong số các vũ khí “bất khả chiến bại” được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong bài phát biểu thông điệp liên bang hôm 1-3.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat. Ảnh: GETTY
Với tầm bắn mở rộng tới 17.000 km, tên lửa “Quỷ sa tăng” có thể mang theo tải trọng chắc nặng băng qua Bắc Cực và Nam Cực tới bất cứ nơi nào trên thế giới. Một số cơ quan truyền thông phương Tây gọi Sarmat là “vũ khí ngày tận thế”, cảnh báo nó có thể dễ dàng xuyên thủng phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Sarmat đang trong quá trình thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Nga cho hay hiệu suất của Sarmat được khẳng định trong giai đoạn chuẩn bị bay và bay sớm. Ông Putin hồi tháng 5 tiết lộ Sarmat dự kiến được triển khai vào năm 2020. Sarmat được thiết kế để mang theo thiết bị lượn siêu thanh Avangard – loại vũ khí từng gây hoang mang cho giới tình báo Mỹ. Avangard có thể bay trong khí quyển với tốc độ Mach 20 và có thể chịu được nhiệt độ lên tới 2.000 độ C do ma sát không khí tạo ra.
Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm
Những tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân không còn là bổ sung duy nhất trong kho vũ khí của Nga, khi quân đội Nga dự định tiếp nhận thêm một số vũ khí thông thường nhưng không kém phần ấn tượng. Một trong số đó là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57. Cuối tháng 6, quân đội Nga đã ký hợp đồng đầu tiên tiếp nhận 12 chiến đấu cơ này. Tiêm kích hiện đại này dự kiến được bàn giao cho quân đội vào năm tới.
Tiêm kích Su-57. Ảnh: NI
Su-57 với hệ thống điện tử hàng không hiện đại có khả năng tự động tính toán tình hình trên chiến trường nhằm hỗ trợ phi công hứa hẹn thay thế cho các chiến đấu cơ đa nhiệm Su-27 tuy mang tính biểu tượng nhưng đã “già nua”. Thiết kế của Su-57 sử dụng các vật liệu composite dựa trên sợi cacbon làm giảm đáng kể tầm phát hiện của radar, sở hữu radar được cải tiến. Đặc biệt bom và tên lửa của Su-57 được giấu kín bên trong khoang vũ khí nhằm hạn chế bị phát hiện radar. Ngoài ra, “chim sắt” Su-57 còn mang theo đạn dược ở khoang vũ khí bên ngoài dưới hai cánh.
Chưa hết, Su-57 dự kiến được trang bị động cơ mới vốn được thiết kế đặc biệt cho tiêm kích thế hệ thứ năm. Theo Military Watch Magazine, các tiêm kích Nga có những ưu thế vượt trội so với F-35 của Mỹ khi nói về tốc độ, cao độ, hệ thống cảm biến, khả năng mang vũ khí, tầm hoạt động và tính cơ động.
Xe tăng T-14 Armata
Nói về vũ khí trên bộ, quân đội Nga cũng sẽ sớm sở hữu một loại vũ khí có thể ghi điểm mạnh. Đến năm 2020, lực lượng nga dự kiến tiếp nhận khoảng 100 xe tăng chủ chiến T-14 Armata. Cỗ xe tăng này sẽ được thiết kế một tháp pháo hoàn toàn tự động và không người lái, trang bị một súng máy hạng nặng cỡ nòng 125 mm có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 7 km.
Xe tăng T-14 Armata. Ảnh: RT
Khẩu súng gắn trên T-14 có thể khai hỏa với tốc độ 12 viên trong một phút. Trong tương lai, cỗ xe tăng này có thể được trang bị một máy bay không người lái.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500
Xương sống trong cấu trúc phòng không tầm xa của Nga là hệ thống phòng không S-400 Triumf. Nhưng S-400 cũng có thể được thế chỗ bởi một vũ khí thậm chí tốt hơn trong tương lai không xa.
S-400 là một trong những tổ hợp phòng không hiện đại của Nga, được thiết kế để S-400 tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong phạm vi 400 km và tên lửa đạn đạo cách xa 60 km. Một tổ hợp S-400 được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau, đủ sức tiến công tới 36 mục tiêu cùng lúc.
S-400 Nga. Ảnh: RT
Một số quốc gia cũng đang tìm mua vì S-400 cũng đã có sẵn để xuất khẩu. Việc S-400 “nổi tiếng” trên toàn cầu khiến Washington cực kỳ lo ngại. Một số nhà lập pháp thậm chí cho rằng việc các đồng minh Mỹ tích hợp công nghệ của Nga có thể đi đến chỗ làm lộ “bí mật công nghệ” của Mỹ.
Lo ngại dâng cao khi Ấn Độ cùng với đồng minh NATO của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua S-400. Tuy nhiên, giờ đây Almaz-Antey- nhà sản xuất S-400 đang phát triển một hệ thống thậm chí còn hiện đại hơn S-400, đó là S-500 ‘Prometheus.’
Theo một số báo cáo, hệ thống mới này sẽ có thể đánh trúng mục tiêu trong phạm vi lên tới 480 km và có thể đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh. Thêm vào đó, S-500 hứa hẹn bắn hạ được tiêm kích F-22 Raptor và F-35 của Mỹ. S-500 hiện trong giai đoạn phát triển, dự kiến được triển khai trong năm 2020.
Lá chắn tên lửa “Nudol”
Trước việc Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu hơn bao giờ hết, Nga cũng quyết định nâng cấp lá chắn tên lửa của mình, đặc biệt là những lá chắn tên lửa dùng bảo vệ thủ đô Moscow. Hệ thống đánh chặn tên lửa ABM mới được đặt tên là Nudol. Tuy nhiên, các đặc điểm chính xác của hệ thống này vẫn còn là ẩn số.
Lá chắn tên lửa Nudol. Ảnh: Indian Defense
Theo TASS, lá chắn tên lửa mới của Nga có khả năng bảo vệ lãnh thổ Nga trước một cuộc tấn công bằng tên lửa mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và đánh chặn tất cả ICBM hiện đại hiện có vốn được trang bị hệ thống được thiết kế đặc biệt để xuyên thủng lưới phòng thủ tên lửa. Theo một số báo cáo, Nudol thậm chí có thể bắn hạ cả vệ tinh.
Thiết bị gây nhiễu vệ tinhTirada-2
Tuy cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là thiết bị tác chiến điện tử hiện đại Tirada-2 của Nga. Mặc dù vẻ không ấn tượng như các tên lửa “ngày tận thế” hay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm, song thiết bị mới này vẫn chứng tỏ được tầm quan trọng trong bất kỳ xung đột hiện đại nào, bởi vì nó thực sự có thể gây nhiễu các thiết bị liên lạc vệ tinh.
Với công nghệ như vậy nếu không làm cho các vệ tinh trở nên vô dụng thì Tirada-2 cũng sẽ khiến mọi kẻ thù gặp khó khi muốn né tránh. Cuối cùng, Tirada-2 có thể làm thay đổi đáng kể cán cân trong các hoạt động tác chiến hiện đại, trong đó ngày càng đặc trưng bởi những thay môi trường nhanh chóng và yêu cầu cao về khả năng thích nghi của binh sĩ mà trong đó thông tin liên lạc đóng vai trò cốt lõi.