Thái Lan xét xử vụ án buôn người lớn nhất lịch sử

Ngày 15-3, Tòa án Hình sự Bangkok (Thái Lan) bắt đầu xét xử vụ án buôn người quy mô lớn nhất Thái Lan với 92 bị cáo, trong đó có nhiều tướng lĩnh quân đội nước này, theo báo ChiangRai Times (Thái Lan).

Các bị cáo bị xiềng chân khi đến tòa hình sự Bangkok ngày 15-3. (Ảnh: CHIANG RAI TIMES)

Vụ việc bắt đầu khi cảnh sát phát hiện một số nấm mồ tập thể chôn 36 người ở nam Thái Lan, gần biên giới với Myanmar hồi tháng 5-2015.

Từ đây hé lộ một mạng lưới buôn người thiểu số Hồi giáo Rohingya rời bỏ Myanmar. Đường dây buôn người này trị giá hàng triệu USD, những tay buôn người đã cầm giữ họ trong các cánh rừng trước khi đưa họ qua Malaysia.

Ít lâu sau, cảnh sát tiếp tục phát hiện 139 nấm mồ tập thể gần biên giới với Myanmar.

Chiến dịch trấn áp buôn người của Thái Lan sau đó đã khiến những kẻ buôn người bỏ mặc nhiều con thuyền chở người di cư trên biển. Từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Á khi nhiều nước châu Á như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh từ chối tiếp nhận họ.

Vụ việc càng được chú ý khi trưởng ban điều tra, Thiếu tướng cảnh sát Paween Pongsirin bỏ trốn sang Úc và nói với truyền thông là ông lo sợ cho sinh mạng mình sau khi ông phát hiện một số quan chức cấp cao Thái Lan liên quan đến vụ việc. Tướng Paween Pongsirin quyết định không về lại Thái Lan và xin tị nạn chính trị ở Úc.

92 bị cáo đối mặt với các cáo buộc buôn người và nhiều tội danh khác. Tất cả đều không nhận tội. Ngoài 92 bị cáo xuất hiện trước tòa ngày 15-3 vẫn còn khoảng 50 nghi phạm liên quan vụ việc chưa bị bắt, một số chạy sang các nước Myanmar, Malaysia.

Trong số các quan chức cao cấp có mặt tại tòa ngày 15-3 với tư cách bị cáo có Trung tướng quân đội Manas Kongpaen ở miền nam Thái Lan, một số cảnh sát, một thị trưởng và nhiều quan chức địa phương.

Trung tướng Manas Kongpaen bị dẫn ra tòa hình sự Bangkok ngày 15-3. (Ảnh: CHIANG RAI TIMES)

Nhân chứng đầu tiên khai trước tòa ngày 15-3 là một người đàn ông Rohingya. Ông cho biết những kẻ buôn người nói dối ông về một công việc xây dựng và tương lai tươi sáng ở Malaysia. Ông sẽ đến Malaysia từ quê nhà là bang Rakhine (Myanmar) trên một con thuyền lớn, có phòng riêng được trang bị tivi, máy điều hòa, ngày được phục vụ ba bữa ăn.

Thực tế sau đó ông phải chen chúc với 270 con người khác trên một con thuyền nhỏ với các quy định khắc nghiệt, không được đi lại, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa chỉ có cơm và một quả ớt, lúc nào cũng bị các tay súng vũ trang giám sát.

Quá trình xét xử có thể mất đến một năm. Các tổ chức quốc tế lo ngại về sự an toàn của khoảng 400 nhân chứng trong vụ án và kêu gọi Thái Lan chú trọng hơn công tác bảo vệ nhân chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm