Malaysia và Indonesia: Người tị nạn đã có nơi cập bến

Malaysia và Indonesia đã thông báo ngừng đẩy đuổi các tàu chở người tị nạn trôi dạt đồng thời sẽ cung cấp cho họ nơi tạm trú.

Sáng 20-5 tại Kuala Lumpur (Malaysia), các bộ trưởng Ngoại giao ba nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã hội đàm về làn sóng người tị nạn Myanmar và Bangladesh.

Sau đó tại cuộc họp báo chung có mặt Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Anifah Aman đã khẳng định: “Chuyện kéo tàu và trục xuất sẽ không xảy ra nữa”.

Thông cáo chung của hai ngoại trưởng Malaysia và Indonesia đã nhất trí tạm tiếp nhận có điều kiện những người tị nạn Myanmar và Bangladesh.

Hai nước nhất trí tiếp tục tham gia vào hoạt động quốc tế nhằm cứu trợ nhân đạo cho 7.000 người tị nạn lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á.

Ngày 20-5, người tị nạn Myanmar và Bangladesh trên tàu chờ ngư dân tỉnh Aceh (Indonesia) đưa vào bờ. Ảnh: AP

Hai nước sẽ cung cấp nơi tạm trú cho người tị nạn và cùng với cộng đồng quốc tế tổ chức bố trí nơi cư trú cho họ hoặc đưa họ hồi hương trong một năm.

Thông cáo chung nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế phải ủng hộ Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhất là về tài chính cần để bố trí nơi tạm trú và cứu trợ nhân đạo cho những người tị nạn đang bị đe dọa”.

AFP đưa tin Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn đã không dự cuộc họp báo chung.

Theo giải thích của Ngoại trưởng Anifah Aman, ngoại trưởng Thái Lan cho biết sẽ kiểm tra lại đề xuất của Malaysia và Indonesia xem có phù hợp với luật pháp Thái Lan hay không.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi kêu gọi: “Tôi khuyến khích mọi tổ chức phi chính phủ, mọi sắc tộc và mọi tôn giáo động viên cứu trợ những người tị nạn sắc tộc Rohingya”.

Ông nhấn mạnh: “Cho dù cộng đồng người tị nạn tìm cách nhập cư trái phép là vi phạm luật pháp về nhập cư, chúng ta không thể bỏ qua tình cảnh của họ”.

Cùng ngày 20-5, Bộ Ngoại giao Myanmar ra thông cáo cho biết Myanmar hiểu rõ nỗi lo lắng của cộng đồng quốc tế, do đó Myanmar quyết định sẵn sàng cứu trợ nhân đạo cho tất cả người bị nạn trôi dạt trên biển.

Myanmar đã tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề người tị nạn dự kiến tổ chức ở Bangkok ngày 29-5 tới.

Trước đó, người phát ngôn chi nhánh Cao ủy LHQ về người tị nạn tại Bangkok (Thái Lan) Vivian Tan đã cảnh báo có 2.000 người tị nạn thuộc sắc tộc Rohingya đang bị bọn đưa người vượt biển cầm giữ trên tàu trong vùng biển Myanmar và Bangladesh.

Theo người phát ngôn, những người tị nạn đói khát đã bị nhồi nhét trên năm con tàu trôi trên biển đã gần 40 ngày nay. Trong số này có không ít phụ nữ và trẻ em.

Người phát ngôn khẳng định bọn đưa người vượt biên đã đòi từ 180 USD đến 270USD thì mới đưa những người tị nạn vào bờ để quay trở lại bang Rakhine, địa phương có đông đảo người sắc tộc Rohingya cư trú.

Các ngư dân Indonesia đã cứu được 426 người tị nạn ngoài khơi Indonesia trong đêm 19-5. Con tàu thứ nhất chở khoảng 200 người. Số còn lại đi trên con tàu thứ hai đã hỏng động cơ. Phần lớn đều đã yếu sức, bệnh tật, mất nước. Những người tị nạn cho biết nhiều người trên tàu đã chết đói. Các ngư dân Indonesia đã đưa họ vào bờ bằng thuyền nhỏ. Trước mắt họ sẽ ở lại TP Kuta Binje thuộc tỉnh Aceh (đảo Sumatra). Đến nay Indonesia đã cứu tổng cộng 1.800 người tị nạn.

________________________________________

Malaysia và Indonesia mời gọi các nước trong khu vực phối hợp thực hiện nỗ lực của Malaysia và Indonesia.

Ngoại trưởng Malaysia ANIFAH AMAN

Đây không phải đất nước người Rohingya muốn đến. Nếu họ vào lãnh hải Thái Lan, chúng tôi sẽ cho người xác minh họ có bị thương hay bệnh tật gì không. Nếu họ bệnh tật, chúng tôi sẽ cử y tá. Nếu họ muốn đến nước thứ ba thì vẫn có thể.

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan UDOMDEJ SITABUTRA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm