Cần làm gì khi bị rạch da, giẫm phải kim tiêm?

Nhiều bạn đọc thắc mắc không biết có phải cứ tiếp xúc với máu, dịch cơ thể hay đồ dùng của người HIV thì chắc chắn bị nhiễm HIV hay không? Điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV thì cần đến đâu và thực hiện như thế nào? Để giải đáp những vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Không phải ai tiếp xúc với HIV cũng bị lây

. Phóng viên: Thưa TS-BS Lê Mạnh Hùng, xin ông cho biết phơi nhiễm với HIV là như thế nào?

+ TS-BS Lê Mạnh Hùng: Phơi nhiễm với HIV là nguy cơ bị lây nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của cơ thể người nhiễm HIV. Như vậy, khi phơi nhiễm với HIV có thể dẫn đến bị nhiễm HIV và để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc này, người bị phơi nhiễm với HIV cần phải được điều trị dự phòng khẩn cấp.

. HIV thường lây lan qua những con đường nào? Có phải bị phơi nhiễm với HIV thì chắc chắn sẽ bị nhiễm HIV?

+ HIV không lây qua các giao tiếp xã hội thông thường. HIV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, mẹ nhiễm lây cho con khi sinh. Lây truyền HIV chỉ xảy ra khi HIV xâm nhập cơ thể người qua cửa ngõ là các tổn thương ở da, niêm mạc. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với HIV cũng bị lây.

Khả năng lây truyền HIV phụ thuộc số lượng HIV đi vào cơ thể người: Vết thương ngõ vào càng lớn, tiếp xúc với dịch cơ thể có nhiều HIV thì khả năng lây nhiễm càng cao; vết thương nhỏ, lượng siêu vi vào người ít thì khả năng lây nhiễm thấp (bị kim có dính máu của người nhiễm HIV đâm phải thì khả năng lây khoảng 0,3%); có HIV nhưng không có ngõ vào (máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV dính vào da lành) thì không bị lây nhiễm HIV. Như vậy, không phải hễ cứ bị phơi nhiễm với HIV là chắc chắn bị nhiễm HIV.

. Trường hợp nào người dân nên điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV?

+ Ngay sau khi bị tai nạn nghi ngờ phơi nhiễm với HIV, người bị nạn cần phải được xử lý dự phòng nhiễm HIV sau phơi nhiễm. Có những trường hợp cụ thể sau đây: Khi thi hành nhiệm vụ như nhân viên y tế khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV do bị dao mổ, kim chích có dính máu làm rách da hoặc bị dịch cơ thể, máu của bệnh nhân văng vào mắt, miệng; chiến sĩ, công an trấn áp tội phạm bị đối tượng chống trả bằng hung khí có dính máu hoặc cào cắn gây rách da…; nhân viên công tác xã hội, công nhân vệ sinh bị kim tiêm đâm phải. Thân nhân chăm sóc người nhiễm HIV bị máu hoặc dịch tiết của người bệnh dính vào vết thương trầy da. Khi quan hệ tình dục mại dâm hoặc với người ngoài vợ, chồng mà không dùng bao cao su hoặc bao bị rách…

Theo nghiên cứu, khả năng bị nhiễm HIV sau phơi nhiễm thấp hay cao tùy trường hợp. Tuy nhiên, 1 đồng dự phòng hơn 10 đồng điều trị. Do hậu quả của phơi nhiễm với HIV là có thể bị nhiễm HIV nên tôi mong tất cả người bị phơi nhiễm với HIV đều được điều trị dự phòng.

Do hậu quả của phơi nhiễm với HIV là có thể bị nhiễm HIV nên tất cả người bị phơi nhiễm với HIV cần được điều trị dự phòng. Ảnh: TL Internet

Không nên để quá 72 giờ

. Xin ông cho biết chẳng may bị phơi nhiễm với HIV thì phải thực hiện dự phòng nhiễm HIV cụ thể như thế nào?

+ Phơi nhiễm với HIV được coi là một khẩn cấp nội khoa. Do vậy, sự cố này phải được xử lý càng sớm càng tốt, không nên để quá 72 giờ. Người bị tai nạn cần phải thực hiện xử lý vết thương tại chỗ, đúng cách, cụ thể như sau:

Nếu vết thương da chảy máu: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Phơi nhiễm tại mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý nhỏ mắt (NaCl 0,9%) liên tục trong năm phút.

Phơi nhiễm qua miệng, mũi: Rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch nhiều lần.

Sau khi xử lý như trên, người bị phơi nhiễm cần đến ngay bệnh viện để được tư vấn và xem xét điều trị thuốc dự phòng.

. Xin ông cho biết hiệu quả của thuốc điều trị dự phòng có cao không? Khi có nhu cầu người dân có thể đến các cơ sở y tế nào để khám và áp dụng các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm với HIV?

+ Hiệu quả của thuốc điều trị dự phòng rất cao. Từ năm 1999 đến nay, tất cả trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm với HIV được áp dụng các biện pháp dự phòng (bao gồm cả dùng thuốc) và được theo dõi tại BV Bệnh nhiệt đới đều chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV.

Hiện nay BV Bệnh nhiệt đới được giao nhiệm vụ điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV không chỉ cho TP.HCM mà cho các tỉnh khu vực phía Nam. Khoa Khám bệnh của chúng tôi tiếp nhận nạn nhân 24/24 giờ. Những trường hợp bị tai nạn khi thi hành nhiệm vụ (có xác nhận của cơ quan quản lý) sẽ được cấp miễn phí thuốc điều trị dự phòng. Các trường hợp khác phải tự túc toàn bộ chi phí: Khám tư vấn; xét nghiệm đánh giá ban đầu và theo dõi; thuốc (riêng tiền thuốc khoảng 500.000-2.700.000 đồng cho liệu trình 28 ngày điều trị tùy theo phác đồ và loại thuốc sử dụng).

10.000 ca nhiễm HIV mới mỗi năm

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, mỗi năm gần đây có khoảng 10.000 ca nhiễm HIV mới phát hiện (năm 2016 có 9.912 ca). Nếu đặt ra câu hỏi tại sao có những ca mới này, câu trả lời có thể nhận được sự đồng tình nhiều nhất: Đây chính là những trường hợp bị phơi nhiễm với HIV nhưng không được người bị phơi nhiễm nhận biết hoặc biết nhưng không quan tâm để điều trị dự phòng, hoặc điều trị dự phòng không đúng, chậm trễ.

“Vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phơi nhiễm HIV và hậu quả của nó; về xử lý ban đầu và các bước tiếp theo sau khi bị phơi nhiễm với HIV và về hiệu quả tích cực của điều trị dự phòng; cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận với điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV” - TS-BS Lê Mạnh Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.