Bệnh nhân khiếu nại giá mắc, phòng khám trả lại tiền

“Mặc dù phòng khám đa khoa Âu-Á không sai nhưng phòng khám vẫn hoàn lại 100% phí phẫu thuật cắt da thừa cạnh hậu môn theo đề nghị của ông Giang Thành Cường (30 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu)”.

Sáng 18-10, bà Lâm Vương Phụng, trợ lý giám đốc phòng khám đa khoa Âu-Á (425 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, TP.HCM), đưa ra thông tin trên với Pháp Luật TP.HCM. Bà Phụng nói: “Phòng khám cũng hỗ trợ thêm ông Cường 3 triệu đồng để dưỡng bệnh. Ông Cường cũng đã viết bản cam kết không khiếu nại vấn đề liên quan đến bệnh tật”.

Về phía mình, ông Cường cũng cho biết đã nhận lại toàn bộ chi phí cắt da thừa và 3 triệu đồng từ phía phòng khám.

Trước đó, ngày 10-10, ông Cường đến phòng khám đa khoa Âu-Á điều trị bệnh trĩ. Sau khi nội soi, phòng khám bảo ông Cường bị da thừa cạnh hậu môn và báo giá phẫu thuật là 16.800.000 đồng. Ông Cường còn phải trả thêm nhiều khoản tiền khác, tổng cộng hơn 19 triệu đồng.

Ông Cường đồng ý. Sau khi được phẫu thuật, ông Cường trao đổi lại với phòng khám là chi phí quá đắt. Sau khi thương lượng, phòng khám đồng ý giảm 30% (khoảng 5 triệu đồng) phí cắt da thừa.

“Thế nhưng sau đó vết cắt bị nhiễm trùng nên tôi vào bệnh viện địa phương điều trị. Sau khi xem hồ sơ bệnh án, bác sĩ của bệnh viện này nói phẫu thuật cắt da thừa nếu không có bảo hiểm y tế thì tốn chừng 3 triệu đến 5 triệu đồng. Đằng này phòng khám lấy hơn 11 triệu đồng” - ông Cường nói.

Phòng khám đa khoa Âu-Á, nơi ông Cường đồng ý giá cả phẫu thuật nhưng sau khi làm xong thì ông phản ánh giá tiền quá cao. Ảnh: TRẦN NGỌC

Giải thích vấn đề trên, bà Phụng cho biết sau khi chẩn đoán ông Cường bị da thừa cạnh hậu môn, phòng khám tư vấn hai gói tiền khác nhau. Gói tiền thứ nhất từ 5 triệu đồng tới 7 triệu đồng. Gói tiền này không có “bảo hành”. Điều này có nghĩa sau khi điều trị, nếu bệnh tình tái phát và ông Cường muốn cắt da thừa thì phải trả tiền. Gói tiền thứ hai giá 16.800.000 đồng và có “bảo hành”. Trong trường hợp bệnh tái phát, phòng khám sẽ cắt da thừa nhưng không tính tiền phẫu thuật.

Theo bà Phụng, do ông Cường đồng ý gói tiền thứ hai và ký vào bản cam kết nên phòng khám tiến hành phẫu thuật cắt bỏ da thừa. Phẫu thuật xong, ông Cường gặp đại diện phòng khám thắc mắc giá tiền quá cao. Phòng khám giải thích với gói tiền này ông Cường được “bảo hành” và được sử dụng miễn phí thuốc ba ngày. “Tuy nhiên, do ông Cường nói gia cảnh khó khăn nên phòng khám hỗ trợ 30% phí phẫu thuật cắt da thừa” - bà Phụng nói.

Cũng theo bà Phụng, phòng khám yêu cầu ông Cường đến phòng khám liên tục ba ngày đầu để theo dõi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, ông Cường chỉ tới một ngày. Hai ngày sau ông Cường không tới, cho dù phòng khám cố gắng liên lạc. “Sau đó ông Cường gọi điện thoại tới phòng khám báo đang điều trị tại bệnh viện địa phương do vết mổ nhiễm trùng. Ông Cường cũng đề nghị phòng khám hoàn 100% chi phí phẫu thuật cắt da thừa” - bà Phụng nói thêm.

Sau đó, phòng khám đã chủ động đến bệnh viện nơi ông Cường điều trị để giải quyết đề nghị của bệnh nhân này.

Da thừa cạnh hậu môn không gây nguy hiểm, chỉ gây vướng víu, khó chịu và không thẩm mỹ.

Do không nguy hiểm nên không cần cắt bỏ da thừa cạnh hậu môn. Tuy nhiên, người nào cảm thấy khó chịu, vướng víu thì có thể phẫu thuật cắt bỏ.

Tùy mỗi bệnh viện mà chi phí cắt bỏ da thừa khác nhau. Tuy nhiên, giá rất rẻ vì giống cắt bỏ da thừa (tham khảo của phóng viên thì khoảng 3 triệu đồng). Thời gian cắt bỏ da thừa chỉ từ 15 phút tới 30 phút. Sau đó chăm sóc vết cắt từ bảy ngày tới 10 ngày.

BS NGUYỄN ĐÌNH ANH GIANG, Phó khoa Ngoại tổng hợp BV đa khoa khu vực Hóc Môn, TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.