BV quận Thủ Đức lần đầu tán sỏi mật thành công

Sáng 18-5, BS Phạm Văn Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết thông tin trên. 

Trước đó, bệnh nhân NTD (35 tuổi, ở TP.HCM) được đưa vào BV quận Thủ Đức với các triệu chứng sốt, lạnh run, đau hạ sườn phải và vùng thượng vị cấp tính. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật dọa sốc do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật và sỏi trong gan phải gây giãn đường mật trong và ngoài gan.

Các bác sĩ đang xử lý sỏi mật cho bệnh nhân D.

Các bác sĩ đang xử lý sỏi mật cho bệnh nhân D. Ảnh: XUÂN CHI

Các bác sĩ nhanh chóng mở ống mật chủ và lấy ra nhiều sỏi. Tuy nhiên, đường mật trong gan của bệnh nhân vẫn còn nhiều sỏi. Do đó bác sĩ quyết định dẫn lưu ống mật chủ bằng ống Kehr để giải quyết tình trạng tắc mật gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.

BS Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng quát BV quận Thủ Đức, cho biết bệnh nhân D. có nhiều sỏi đường mật trong và ngoài gan nên rất khó giải quyết triệt để một lần. Để bệnh nhân không phải trải qua nhiều cuộc phẫu thật đau đớn, bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật tán sỏi và lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr kết hợp với tán sỏi  thủy lực.

“Đây là cách giải quyết sỏi còn trong đường mật trong gan rất hiệu quả và an toàn, không có biến chứng nặng. Phương pháp tán sỏi bằng máy điện thủy lực hiện nay là tối ưu cho những bệnh nhân còn sỏi sau mổ có ống Kehr” - BS Hóa nói.

Theo BS Hóa, sỏi mật là bệnh gây ra do có những viên sỏi (nhỏ hoặc to, bùn) nằm trong lòng ống mật trong gan hoặc ngoài gan, túi mật, thường gặp ở nữ giới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tắc mật gây nhiễm trùng đường mật. Nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể bị sốc, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm