PLO giao lưu trực tuyến: “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết”

Tết Nguyên Đán đang đến gần, ngoài khâu phải lên danh sách, thực đơn ăn uống cho cả gia đình trong ngày tết, vấn đề phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vấn đề mọi người quan tâm. Để biết những loại thực phẩm nào có nguy cơ ngộ độc, cách xử trí nếu có trường hợp ngộ độc xảy ra... 

Mời bạn đọc xem câu hỏi và trả lời của các bác về “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết” dưới đây:

PLO giao lưu trực tuyến: “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết” ảnh 1

Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Huyền Vi

Các thức ăn có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong ngày tết

Hầu hết các thức ăn ngày tết gồm các món ngọt như bánh mứt, kẹo, các món mặn như thịt kho, bánh chưng, salad và các món ăn chế biến khác đều ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu chúng được chế biến và bảo quản không đúng cách.

• Các món bánh mứt nếu là hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc thường chứa các chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất làm tăng độ dai, giòn, chất tạo màu độc hại, chưa kể các chất phụ gia trong quá trình đóng gói và trong vật liệu bao bì ngấm vào thực phẩm gây ngộ độc.

• Các món ăn từ thịt, chế biến sẵn như lạp xưởng, thịt hun khói chứa nhiều chất hữu cơ gốc nitrate gây ung thư. Các thức ăn từ đồ hộp nếu quá hạn sử dụng sẽ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra độc tố gây liệt thần kinh cơ.

• Các món ăn được nấu nướng tại nhà hay ở quán ăn, nếu chế biến không hợp vệ sinh hoặc chế biến xong mà bảo quản không đúng cách trong thời tiết nóng bức sẽ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn. Có nhiều loại vi sinh vật nhiễm vào thức ăn tạo ra nhiều loại độc tố gây ngộ độc như: Samonella spp, phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae, tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Shigella spp, Clostridium perfrigens, vi nấm Aspergillus  flavus và Aspergillus  parasiticus gây mốc trên ngô, đậu và lạc, sản sinh ra độc tố aflatoxin gây ung thư gan. 

• Các món rau xà lách trộn, gỏi trộn sử dụng nguyên liệu là rau sống thường chứa mầm bệnh như: amip (Entamoeba histolytica) gây bệnh lỵ amip, Esherichia coli gây bệnh tiêu chảy. Ngoài ra nếu rau còn dư lượng thuốc trừ sâu lớn sẽ gây ngộ độc thuốc trừ sâu…

Theo tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Phạm Thế Vinh, nam, 26 tuổi, viên chức:

Tôi muốn biết những loại thực phẩm nào có nguy cơ gây ngộ độc trong ngày tết. Khi ngộ độc tôi nên làm gì trước tiên trong khi chờ đến bác sĩ khám?

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

- Cấp tính: có rượu bia, các loại thực phẩm ăn ngay dễ nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến bảo quản. Ví dụ như các thực phẩm được sản xuất thủ công, dùng ngay không qua chế biến, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại chất độc có trong thực và động vật. Ví dụ: Cá nóc, các loại nấm lạ..

- Về ngộ độc mãn tính: Đây là hiện tượng các triệu chứng ngộ độc không bộc phát liền mà còn tìm ẩn trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu về dài. Thông thường các chất này có trong các loại thực phẩm có sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, kim loại nặng và các loại phụ gia thực phẩm khác nằm ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép. Tùy vào từng tác nhân gây ngộ độc mà chúng ta có những giải pháp cấp cứu tại chỗ khác nhau.

Tốt nhất nếu nghi ngờ bị ngộ độc chúng ta nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất như các phòng khám, trạm y tế, bệnh viện... để được điều trị đúng cách. Nếu ngộ độc tập thể phải báo ngay cho các cơ quan quản lý và điều trị như Sở Y tế, Phòng Y tế quận, huyện và bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Thị Hoa, nữ, 26 tuổi, nội trợ:

Tôi thường mua nhiều thịt cá sống vào dịp tết và để đông lạnh dùng dần. Các loại thịt sống để đông được tối đa trong bao lâu? Thịt sống nên xử lý thế nào mới có thể giữ được lâu?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Không nên mua quá nhiều thịt cá sống để cấp đông. Vì thịt khi giết mổ chỉ ăn ngon nhất trong 2 giờ sau khi mổ. Nếu để cấp đông từ âm 18 độ đến âm 30 độ thì để được 1 năm. Nếu cấp đông sâu ở âm 36 độ thì để được 18 tháng.

Không nên để lâu vì trong thịt có một số enzym tự phân hủy và chuyển hóa. Có một số vi khuẩn nhiễm vào thịt trong quá trình giết mổ. Ở nhiệt độ thấp vi khuẩn này không hoạt động nhưng vẫn sống. Khi gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ chuyển hóa. Đây là quá trình chuyển hóa từ từ.

Ngoài ra, quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 các chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng các chất sau mỗi lần cấp đông - rã đông đều giảm 20%.

Quy tắc cấp đông thịt: phải mổ treo, rửa nước sạch, đem thịt cho vào phòng lạnh vừa trong 2 giờ, sau đó mới chuyển sang cấp đông. Thịt trước khi cấp đông cần phải ráo nước. Với các gia đình thì nên để thịt ráo nước trước khi cấp đông. Thịt mất chất nhiều trong thời kỳ rã đông. Các bạn chỉ nên mua vừa đủ dùng cho 1 đến 2 ngày vì hệ thống cung cấp phân phối thịt rất rộng rãi và rất sớm.

Thông thường hàng năm, số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm trong dịp tết tăng cao hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới không phản ánh được tỷ lệ mắc bệnh trong toàn thành phố vì các bệnh nhân thường nhập viện ở nơi gần nhất, tất cả các bệnh viện đều nhận những bệnh nhân ngộ độc thức ăn chứ không riêng gì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Thông thường trong suốt mấy ngày tết, bệnh viện chỉ tiếp nhận vài chục ca ngộ độc thức ăn, đa số ở thể nhẹ, chỉ cần bồi hoàn nước điện giải là bệnh nhân tự phục hồi, một số ít trường hợp chuyển sang tiêu chảy nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.

Một bạn đọc:

Tết nhất, đàn ông thường nhậu nhẹt và dễ bị trúng gió. Xin cho biết phải xử trí đối với người say rượu bị trúng gió như thế nào cho đúng cách.

Tiến sĩ TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trả lời:

Ngộ độc rượu xảy ra xay khi nhậu bệnh nhân bị hôn mê. Hơi thở nồng nẹt mùi rượu. Trúng gió là hiện tượng do nhiều nguyên nhân: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Trường hợp sau khi uống rượu say bệnh nhân sẽ có hiện tượng mạch nhẹ hoặc lạnh chân tay rất dể bị ngất hoặc là hôn mê sâu, không phải do trúng gió mà do đường trong máu giảm gây ngất.

Thanh Xuân, nữ, 30 tuổi, thanh...@gmail.com:

Dịp tết nhà nào cũng có mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ ông bà. Thời gian chưng thường kéo dài 3-5 ngày. Khi hạ mâm ngũ quả xuống thì nhiều trái cây đã hư hỏng hoặc héo. Có nên ăn các loại trái cây này không?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Trái cây ở mâm ngũ quả theo tôi không nên ăn vì các loại quả trưng trên mâm đều là quả xanh. Thêm nữa trong thời gian để lâu, quả đã bị mất nước và bị xâm nhiễm nấm mốc. Các bạn chỉ nên ăn các loại trái cây tươi hoặc chỉ thắp tàn nhang rồi ăn ngay.

PLO giao lưu trực tuyến: “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết” ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng. Ảnh: Huyền Vi

Trần Thị Ngà, nữ, 47 tuổi, nội trợ:

Theo bác sĩ, người tiêu dùng thông minh là người tiêu dùng phải như thế nào?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Người tiêu dùng thông minh là người biết cách đi chợ, biết chọn các loại thực phẩm khỏe mạnh, tươi. Thứ hai, thông minh trong cách pha chế, nấu nướng. Và cuối cùng là thông minh trong cách ăn.

Nguyen Tan Khoa, nam, 40 tuổi, nông dân:

Thực phẩm chợ tự phát ở cầu Ông Búp trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM) rất mất vệ sinh và mất trật tự an toàn giao thông. Đề nghị xử lý gấp.

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

Tôi sẽ yêu cầu đoàn thanh tra liên ngành Quận Bình Tân tiến hành kiểm tra xử lý gấp.

Những nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất  

Thông thường bệnh nhân nhập viện với tình trạng nôn ói sau khi ăn tiệc hoặc ăn cơn tại nhà, rất khó xác định nguyên nhân, chỉ biết tình trạng bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn. Đa số bệnh nhân phục hồi tốt nên việc định danh vi khuẩn cũng chưa thực sự cần thiết, hiện nay chúng tôi chỉ cấy phân tìm vi trùng tả và thương hàn, Shigella spp. Còn các tác nhân khác như amip thì có thể thấy qua soi phân tươi.

Theo y văn, ngộ độc thức ăn do nhiều tác nhân và cũng có thời gian ủ bệnh, triệu chứng lâm sàng khác nhau như:

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Staphylococcus aureus: Hay gặp nhất: vi khuẩn nhiễm từ sữa, thịt gia cầm nấu chưa chín, từ bàn tay, da của người chế biến thức ăn. Bệnh nhân nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn từ 1-4 giờ, kéo dài đến 24-48 giờ, do nội độc tố tiết ra từ vi khuẩn.bệnh không sốt. Chỉ cần điều trị triệu chứng.  

-  Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E. coli: Do nhiễm từ, từ thịt cá, rau tươi,  nước bị ô nhiễm phân người, bệnh nhân tiêu chảy sau bữa ăn từ 24-48 giờ, tiêu chảy nước. Không cần điều trị kháng sinh, chỉ cần bù nước và nâng đỡ.

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Shigella spp:   Do nhiễm từ sữa và thực phẩm bị ẩm ướt, nhiễm phân. Bệnh nhân tiêu chảy phân có đàm máu và sốt cao sau 12- 30 giờ sau khi ăn. Điều trị: kháng sinh (bactrim) và bù dịch.

- Ngộ độc thức ăn do Samonella spp: Lây nhiễm từ trứng, thịt gia cầm nấu chưa chín, bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn sau 6- 48 giờ sau khi ăn, kéo dài từ 7-12 ngày, thường sốt nhẹ. Diều trị: bù dịch và kháng sinh.

Ngoài ra, còn những trường hợp ngộ độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác như: Campylobacter spp, Clostridium perfrigens, Bacillus cereus… đều gây đau bụng tiêu chảy… tương đối hiếm gặp.

Những tác nhân khác gây ngộ độc như thuốc trừ sâu trong rau quả rửa không kỹ sẽ gây nhức đầu, mất trí nhớ, suy hô hấp, co giật… thường hay gặp ở nông thôn, tỷ lệ tử vong cao.

Trần Thị Ngà, nữ, 47 tuổi:

Có nên "tẩy chay" thực phẩm ngoài chợ mà chỉ mua thực phẩm ở siêu thị?

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

Chợ có nhiều loại: Chợ đầu mối, chợ chính danh (chợ có phép hoạt động), thông thường các chợ chính danh kiểm soát tốt về điều kiện kinh doanh cũng như kiểm soát nguồn hàng hóa đầu vào.

Còn chợ tự phát được bày bán trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, người kinh doanh không có kiến thức gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, cho nên nguồn thực phẩm cung cấp từ các chợ tự phát thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta không nên mua nguồn thực phẩm ở các chợ này.

Hệ thống siêu thị tại TP.HCM tất cả đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (cơ sở vật chất, con người, điều kiện bảo quản, môi trường...). Chúng ta nên mua thực phẩm ở những nơi này.

Nguyễn Bảo Nhi, nữ, 30 tuổi, nội trợ:

Tôi thấy có bán rất nhiều các loại máy làm sạch rau củ trên thị trường. Xin cho biết những loại máy đó có thực sự có tác dụng không? Rau củ rửa bằng máy có an toàn hay gây ra biến chất gì không?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Các loại máy phát tia cực tím, máy phát Ozon... đang được bày bán trên thị trường đều chỉ là các công cụ hỗ trợ khoảng 70% đến 80%. Chỉ có thể xử lý triệt để vi trùng bằng cách hấp sấy ở nhiệt độ cao (như các thiết bị phục vụ phẫu thuật). Các máy này tác dụng còn phụ thuộc và khối lượng, thời gian rửa, năng lượng phát tia có ổn định hay không.

Đối với các thực phẩm có thể nấu chín thì nên ăn chín. Đối với thực phẩm sống như rau sống nên xả nước rửa kỹ từng lá hay sục Ozon có thể tăng ngưỡng an toàn chứ không thể hoàn toàn triệt tiêu các loại mầm bệnh. Các loại máy dùng công nghệ đều có hai mặt. Nếu phát Ozon mạnh hay tia cực tím quá mạnh cũng gây tác hại đến con người. Tuy nhiên, bản thân khí Ozon và tia cực tím ở những liều thích hợp thì không gây hại.

Ngộ độc rượu
   
Ngộ độc rượu trong các ngày tết là điều khó tránh khỏi do nhậu nhẹt lan tràn trong mọi giới trong mấy ngày nghỉ. Hàng năm bệnh viện đều tiếp nhận vài chục ca ngộ độc rượu, đa số đều điều trị khỏi, xuất viện sau vài ngày.

Bệnh nhân ngộ độc rượu sẽ hôn mê sau bữa nhậu, hơi thở toàn mùi rượu, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh… thường các bệnh nhân sẽ được truyền dung dịch đường (glucose) 10%, dung dịch nước muối sinh lý natriclorid 0,9%, hỗ trợ hô hấp…

Tuy nhiên, do tình trạng bày bán các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc khiến rượu bị pha trộn methanol va nhất là thuốc trừ sâu. Methanol là chất cồn công nghiệp hay còn gọi là rượu gỗ, gây ngộ độc cấp tính làm bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa kịp thời.

Phạm Kim Anh, nữ, 28 tuổi, nội trợ:

Tôi có sử dụng nước rửa rau quả (VEGY). Tuy nhiên, tôi không yên tâm lắm vì trong nước có bọt như xà bông. Ngoài cách dùng hóa chất, có cách nào làm sạch rau quả, trái cây hay không? Tôi thấy các loại trái cây gần đây có vị rất ngọt, hơn hẳn trước đây. Cũng có loại không hạt hoặc rất lớn. Xin cho hỏi các loại trái cây đó có an toàn không? Làm cách nào để kiểm tra nguồn gốc và độ an toàn của hoa quả? 

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Trái cây ngọt, không hạt, quả lớn là sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Người ta đã chứng minh tính an toàn của nó mới cho trồng và thu hoạch để bán nên bạn cứ yên tâm sử dụng.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế có yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nếu chúng ta tuân theo quy tắc phân phối phải phân rõ nguồn gốc thì mới kiểm soát được. Nhưng với điều kiện hiện nay thì khó kiểm soát được. Đối với hoa quả ngoại nhập, nhà nước đã kiểm tra và vẫn chưa phát hiện ra có sai phạm về ngâm tẩm hóa chất.

Nguyễn Hiền, nữ, 25 tuổi, nội trợ:

Tôi muốn hỏi trong ngày tết nên cất các loại thức ăn sống như thế nào cho an toàn? Thức ăn đã nấu chín để ngoài trời trong thời gian bao lâu thì không thể sử dụng tiếp được? Tủ lạnh nhà tôi không lớn, xin cho hỏi có cách nào bảo quản các loại nước dùng (hầm gà vịt) được lâu ngày hay không? Tôi xin cám ơn.

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

Thức ăn sống trong ngày tết như rau củ quả, các sản phẩm lên men như hành kiệu, dưa giá... khi xử lý những sản phẩm này cần lưu ý:

- Với sản phẩm lên men nên bảo quản lạnh.

- Đối với các loại rau nên có thời gian ngâm trong nước để các loại thuốc bảo vệ thực vật nếu có sẽ được hòa tan trong nước làm giảm hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật.

- Thức ăn đã nấu chín để trong điều kiện bảo quản bình thường chỉ nên sử dụng trong ngày và mỗi lần sử dụng phải được hâm nóng.

Nếu tủ lạnh nhà chị không lớn thì nên tính toán số lượng thực phẩm sử dụng cho phù hợp với thể tích tủ lạnh. Lưu ý với nhiệt độ của tủ lạnh thì cũng không nên bảo quản thực phẩm dài ngày và các loại thực phẩm phải được đậy kín để tránh nhiễm chéo (nhiễm từ loại thực phẩm này sang thực phẩm khác). Đặc biệt lưu ý khi sử dụng phải được hâm nóng để được diệt khuẩn nếu có.

Trần Văn Hoàng, nam, 32 tuổi:

Ngày xưa, tết hay dùng măng hầm với giò heo để ăn cả tuần. Hiện nay vẫn còn nhiều gia đình làm như vậy. Ăn măng nhiều có tốt không? Để thịt và măng một tuần có nhiễm khuẩn, ôi, thiu không?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Măng chỉ cung cấp chất xơ cellulose, chất này không tiêu hóa được. Măng có hương vị đặc trưng nên người ta thích ăn. Ngoài ra, nó còn có một số các chất khác phối hương với giò heo tạo hương vị. Cần phải giữ sạch, kỹ trong tủ lạnh. Trước khi ăn phải đem nấu lại ít nhất 99 độ C.

Xử trí tại nhà lúc phát hiện ngộ độc thức ăn

Khi bệnh nhân có dấu hiệu nôn ói, đau bụng tiêu chảy sau khi ăn thì nên nghĩ ngay đến ngộ độc thức ăn, nhất là những người cùng ăn một bữa ăn đều có triệu chứng tương tư thì phải nghĩ ngay đến ngộ độc tập thể. Không được dùng thuốc chống ói hoặc thuốc cầm tiêu chảy, cố làm cho bệnh nhân nôn hết thức ăn ra ngoài để tránh độc tố phá hủy niêm mạc đường tiêu hóa. Người nhà nên giữ lại mẫu thức ăn nghi gây ngộ độc, giữ lại mẫu nôn ói hoặc phân tiêu chảy để đưa đi làm xét nghiệm. Chuyển ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Bạn đọc, nữ, 40 tuổi:

Thực phẩm rẻ, bắt mắt dễ mua vì vừa túi tiền, trông hấp dẫn. Loại thực phẩm bắt mắt về màu, mùi, vị… có nên lựa chọn cho ngày Tết không?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Đối với màu thực phẩm thì nên cẩn thận. Các thức ăn nhuộm màu lòe loẹt các bạn không nên sử dụng.

Bạn đọc, thangloan...@yahoo.com:

Có bác sĩ đã từng nói ngày tết không nên ăn thực phẩm là đồ hộp, nhất là được chế biến từ thịt. Dựa trên cơ sở nào để nói như vậy?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Vì đồ hộp được làm với dạng hàng hóa gửi đi xa, để lâu. Mùi vị của đồ hộp là mùi tổng quát, vị ngon chỉ ở mức trung bình. Ngày tết là ngày tụ họp gia đình, nên dùng đồ tươi để có hương vị ngon nhất cho gia đình.

Thu Ba, bathu...@hotmail.com:

Gần đây báo chí có đưa tin phẩm màu nhuộm hạt dưa có chứa chất gây ung thư. Gia đình tôi đang lưỡng lự tết này có nên mua hạt dưa không. Bác sĩ cho tôi hỏi:

- Liệu các loại hạt khác có bị nhuộm bằng phẩm màu chứa chất ung thư không?

- Mấy đứa con tôi thì không thích ăn hạt bí, hạt dẻ mà chỉ thích hạt dưa. Vậy bác sĩ có thể chỉ tôi cách chọn hạt dưa không có phẩm màu chứa hóa chất độc hại được không? Mua hạt dưa ở đâu thì an toàn? Hạt dưa có tẩm hóa chất có khác hạt dưa không tẩm ở chỗ nào?

- Tôi thấy lâu nay hạt dưa thường được bày bán mà không có bao bì, nhãn mác. Tại sao trước giờ Sở Y tế không quản lý việc này? Mua hạt dưa trong siêu thị có an toàn?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Các cơ sở sản xuất hạt dưa thông thường là nhỏ lẻ, sản lượng thấp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng có phát hiện vài cơ sở có sử dụng chất Rhodamin dùng làm phẩm màu. Chất này không được phép sử dụng. Sản lượng phát hiện không nhiều cho nên chúng ta cũng không nên không sử dụng hạt dưa.

Còn khi đã lựa chọn mua hạt dưa thì cần lưu ý kiểm tra bằng cảm quan các chỉ tiêu sau: thông thường màu thực phẩm không có độ tươi, bắt mắt như màu công nghiệp, độ bền màu thực phẩm cũng kém cho nên chúng ta có thể dùng nước ngâm hạt xưa xem có tan màu không. Chất Rhodamin là chất màu công nghiệp (màu đỏ) cho nên các sản phẩm khác không liên quan đến màu đỏ đến giờ phút này các cơ quan chức năng chưa phát hiện.

Các sản phẩm hạt dưa không nhãn mác là các sản phẩm không được phép lưu hành. Thông thường các sản phẩm này được đóng gói trong các bao PE, giấy.. được bày bán trong các chợ chúng ta không nên mua. Hệ thống siêu thị có kiểm soát được hồ sơ pháp lý của sản phẩm đầu vào (giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do ngành y tế cấp) nên chúng ta nên mua hạt dưa trong hệ thống siêu thị.

Duy, nam, 22 tuổi, nhân viên văn phòng:

Thưa bác sĩ Mai, trong những năm ông làm ở Viện, ông thấy loại thực phẩm Tết ở TP.HCM nào được xét nghiệm phát hiện “bẩn” nhất, nhì, ba? Nó chứa những loại vi sinh, vi trùng gì?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Người ta không xếp loại bẩn nhất, nhì, ba mà chỉ xếp loại các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, dễ hư hỏng:

1- Nhóm trái cây đã chín rất mau hỏng.

2- Thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt từ gia đình.

3- Cá và các thực phẩm chế biến từ cá tại gia đình.

4- Trứng, sữa.

5- Rau ăn sống.

Le Van Son, nam, 38 tuổi, chuyên viên kinh tế:

Theo tôi được biết thì vấn đề an toàn thực phẩm của nước ta hiện nay là một vấn đề rất nan giải. Ở đâu cũng tràn ngập thực phẩm dùng hóa chất, kể cả một số thực phẩm bày bán trong siêu thị. Vậy xin hỏi mua thực phẩm ở đâu là đáng tin cậy? Cách phân biệt giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn (có dùng hóa chất)?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Đúng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập. Nhưng không phải ở đâu cũng tràn ngập thực phẩm dùng hóa chất như bạn đã nói. Ở đâu cũng có thực phẩm an toàn: chợ lẻ, chợ sỉ, chợ vỉa hè đều có nếu chúng ta biết cách nhìn nhận và lựa chọn đúng.

Bạn nên nâng cao kiến thức và kinh nghiệm để quyết định việc lựa chọn. Ngoài ra, không có cách nào phân biệt thực phẩm có sử dụng hóa chất hay không bằng các giác quan.

Hoan, nam, 42 tuổi, quận 8:

Trước tết, chị tôi thường mua một số liều thuốc đau bụng, sình hơi, tiêu chảy để chuẩn bị sẵn. Khi có người bị bệnh uống thuốc vào thì cũng đỡ. Việc tự mua thuốc uống như vậy có nguy hiểm gì không?

Tiến sĩ TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trả lời:

Trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm thì không được sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ gây cho bệnh nhân bị ngộ độc nhiều hợp do không thải được ra ngoài. Trường hợp ngộ độc thực phẩm phải đưa đi nhập viện gần nhất để bù nước, theo dõi tình trạng huyết áp và nhiễm trùng, nhiễm độc. Đối với đau bụng do nguyên nhân khác thì cũng cần có ý kiến bác sĩ mới được sử dụng vì chưa rõ do đau dau bụng nội khoa hay ngoại khoa.

Bảo Phượng, nữ, 33 tuổi, nội trợ:

Tôi có hai cháu nhỏ. Ngày Tết, mọi người thường tập trung chế biến các món ăn ngày Tết cho người lớn, còn với các cháu nhỏ không biết phải làm sao. Nếu cho các cháu ăn các món ăn của ngày Tết: các loại đưa, thịt động, giò chả, tôi sợ các cháu bị đầy bụng. Bác sĩ có thể giới thiệu giúp cho tôi một số loại thức ăn nhẹ nhàng cho các cháu?

PLO giao lưu trực tuyến: “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết” ảnh 3

Tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu (bìa phải). Ảnh: Huyền Vi

Tiến sĩ TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trả lời:

Nên cho trẻ em ăn khẩu phần cân bằng các chất đạm, tinh bột, trái cây, rau xanh... Không nên cho ăn nhiều thịt, cá, mỡ vì sẽ gây khó tiêu, đầy bụng. Ngoài ra, phải thêm thành phần dưa muối hoặc rau xanh trong các bữa ăn có nhiều thịt, cá.

Nếu như bị đầy bụng, cần cho trẻ nghỉ ngơi và uống nước có chứa vitamin C, nhiều nước chanh cam, bớt khẩu phần ăn trong bữa ăn kế tiếp. Nếu trẻ bị đầy bụng kéo dài nên cho uống thêm các men trợ tiêu hóa như Neopeptine.

Nguyễn Thị Thanh Huyền, nữ, 31 tuổi, giáo viên:

Ông xã tôi rất hay uống rượu cũng như đãi tiệc bạn bè vào dịp Tết. Xin bác sĩ cho biết có trường hợp nào ngộ độc do rượu gây ra trong dịp Tết hay không? Cách xử lý như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Rượu là một chất độc nếu chúng ta sử dụng ở liều lượng cao. Từ đó cho thấy nếu chúng ta sử dụng rượu thường xuyên, số lượng nhiều thì sẽ sinh ra chứng nghiện rượu, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

Bạn nên khuyên ông xã chỉ nên sử dụng rượu bia khi thật cần thiết, không nên dùng rượu thường xuyên. Nên sử dụng những loại rượu có nhãn mác rõ ràng: tên công ty, địa chỉ sản xuất... Khi bị ngộ độc rượu, không còn cách nào khác là phải chở người bị ngộ độc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nguyễn Thị Nhân, nữ, 21 tuổi:

Vào dịp tết, nếu ăn uống nhiều thức ăn quá và bị đau bụng, sình hơi, có cần đi khám bác sĩ hay chỉ nên mua thuốc về uống?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Phải đi khám bác sĩ. Tất cả các trường hợp ảnh hưởng sức khỏe đều nên đến bác sĩ để được tư vấn thích hợp. Không nên tự mua thuốc về uống.

Thanh Tùng, nam, 24 tuổi:

Cứ đến dịp Tết em lại thấy má em chuẩn bị quá chừng món ăn từ các loại thịt cũng như rau củ. Nhìn thì cũng hấp dẫn nhưng giữa thời buổi báo động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn vào cũng thấy sợ sợ.

Xin bác sĩ cho biết những loại thức ăn nào có nguy cơ gây bệnh hay gây ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết? Những dấu hiệu nào để biết bị ngộ độc thực phẩm? Trong trường hợp nào thì xử trí tại nhà và trong trường hợp đưa đi cấp cứu? Cách xử trí tại nhà và những lưu ý của gia đình trong thời gian đưa đi cấp cứu?

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN MAI, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trả lời:

Gia đình em không nên thay đổi cách tiêu dùng, không nên mua quá nhiều thức ăn dự trữ ngày tết cũng như ăn quá nhiều vào mấy ngày này. Tất cả các thực phẩm ngày tết là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Ở các tỉnh phía Nam ngày tết thường có nhiệt độ ấm, thích hợp cho mầm bệnh phát triển. Thêm vào đó, việc đi chơi nhiều vào ngày tết khiến cơ thể giảm sức đề kháng. Đây là các điều kiện thuận lợi khiến người ta dễ bị ngộ độc. Do đó các loại thức ăn đểu sau 2 giờ đều phải hâm nóng lại. Không ăn quá nhiều, không ăn trong một bữa quá no, uống quá say.

Nguyen Tan Khoa, nam, 40 tuổi:

Tôi xin hỏi các số điện thoại nóng của TP.HCM về vệ sinh an toàn thực phẩm để khi có chuyện sẽ liên hệ phản ánh cho cơ quan chức năng?

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

Câu hỏi của bạn liên quan đến nhiều số điện thoại của các cơ quan, ban ngành và 24 quận, huyện của TP.HCM nên chưa thể cung cấp ngay được. Xin hẹn buổi chiều chúng tôi sẽ email lại cho bạn.

Trần Mạnh Dũng, nam, 26 tuổi, viên chức:

Tôi nghe nói khi bị ngộ độc thì có thể cấp cứu bằng cách cho uống sữa tươi rồi cho nôn hết thức ăn ra, không hiểu có đúng không? Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc. Làm sao để phân biệt ngộ độc thực phẩm với các loại đau bụng khác? Xin cám ơn.

Kỹ sư HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, trả lời:

Xử lý ngộ độc bằng sữa chỉ được sử dụng trong một vài trường hợp. Còn cách cho nôn thức ăn cũng chỉ có tác dụng trong vài trường hợp, ví dụ như khi mới ăn bị ngộ độc ngay. Các bạn không nên tự xử lý mà nên đưa đến trạm y tế gần nhất để được cấp cứu đúng cách nhất.

Về triệu chứng đau bụng: Dấu hiệu đau quặn bụng, sôi ruột sau khi ăn khoảng 30 phút là triệu chứng nhiễm độc. Nếu sau 4 tiếng là triệu chứng nhiễm độc và nhiễm trùng. Các cơn đau bụng đầu tiên có triệu chứng như nhau, sau đó cơn đau sẽ khu trú lại tại vùng xuất phát đau. Sau vài giờ theo dõi, người ta sẽ chẩn đoán được tương đối chính xác triệu chứng bệnh.

Hạn chế ngộ độc trong những ngày tết bằng các cách sau:

- Lưu giữ thức ăn đúng cách: tủ lanh đựng thức ăn phải đảm bảo ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C, ngăn đá phải đảm bảo nhiệt độ dưới âm 5 độ C.

- Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm chưa nấu để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

- Không để thức ăn đã nấu chín ở ngoài quá 4 tiếng vì vi khuẩn sẽ sinh sản gây ngộ độc

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, mang găng tay nếu có thể.

- Khi hâm lại thức ăn, phải đun nóng ở nhiệt độ  lớn hơn 75 độ C mới đảm bảo không bi nhiễm khuẩn.

- Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn hoặc chế biến để tránh những mầm bệnh và thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản…

- Hạn chế đi ăn ở các hàng quán mất vệ sinh bên ngoài.

- Hạn chế uống rượu, nhậu nhẹt sa đà trong ba ngày tết để tránh ngộ độc rượu. 


Buổi giao lưu trực tuyến “Sử dụng thực phẩm an toàn dịp Tết” kết thúc lúc 10 giờ 30 phút ngày 29-1.

Báo Pháp Luật TP.HCM Online

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm