Tài xế hôn mê sâu khi lái xe chỉ vì quên ăn sáng

Trước đó, anh N. được đưa vào BV trong tình trạng hôn mê sâu, thở nhanh, phổi đầy ran nổ hai bên (ran nổ là loại tiếng phổi không liên tục, ngắn hơn 9 mili giây, thô ráp, nghe rõ nhất cuối kỳ hít vào, chứng tỏ có sự hiện diện của dịch hay chất xuất tiết trong phế nang - PV).

Khai thác bệnh sử, các bác sĩ (BS) ghi nhận anh N. là tài xế xe tải, bị bệnh ĐTĐ khoảng 12 năm nay. Hiện anh N. tiêm insulin với liều lượng 25 đơn vị sáng và 25 đơn vị chiều.

Cách đây hai tuần, anh N. ngủ dậy và tiêm insulin với liều 25 đơn vị như thường lệ nhưng lại quên ăn sáng. Vừa lái xe ra khỏi nhà xe, anh liền cảm thấy mệt nhiều nên dừng xe và hôn mê sâu ngay sau đó. 

Kết quả chụp CT cho thấy anh N. bị hôn mê sâu. (Ảnh do BV cung cấp)

Khoảng năm tiếng sau khi hôn mê sâu, anh N. mới được người nhà đưa vào BV địa phương. BV này xử trí tạm thời rồi chuyển anh lên BV Nhân dân 115.

Các BS chẩn đoán bệnh nhân N. hôn mê sâu do hạ đường huyết kéo dài và bị viêm phổi nặng. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở và truyền đường với nồng độ ưu trương để nâng mức đường huyết về bình thường. Tuy nhiên tri giác bệnh nhân vẫn không cải thiện. Các BS tiếp tục điều trị tích cực và tri giác bệnh nhân dần cải thiện. Sau một tuần điều trị, hiện bệnh nhân N. đã tỉnh táo hơn, có thể trò chuyện và nhận biết người thân nhưng rất chậm.

BS Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân N. rơi vào trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng và được cứu sống hy hữu. Bệnh nhân bị hạ đường huyết quá mức là do không chú ý thời điểm tiêm insulin và bữa ăn. Loại insulin mà bệnh nhân đang dùng phải được tiêm trước ăn 30 phút nhưng bệnh nhân đã không tuân thủ điều này. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chưa được hướng dẫn cách nhận biết và xử trí ban đầu khi bị hạ đường huyết.

Theo BS Khoa, bệnh nhân ĐTĐ làm những công việc đòi hỏi an toàn cao (lái tàu xe, vận hành máy móc, thợ xây dựng làm việc trên giàn giáo…) nếu bị hạ đường huyết quá mức có thể ảnh hưởng đến ý thức. Điều này dễ dẫn đến tử vong và nguy hiểm cho người xung quanh. Do đó, bệnh nhân nên gặp các BS chuyên khoa để được tư vấn chọn những loại thuốc an toàn và được hướng dẫn xử trí tạm thời hạ đường huyết.

“Điều đáng nói tất cả trường hợp hôn mê dù biết hay không biết do ĐTĐ cần nhanh chóng đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để xử trí. Các trường hợp hạ đường huyết quá lâu (đưa vào BV trễ hoặc cấp cứu không kịp thời) có thể dẫn đến di chứng não không hồi phục, thậm chí gây tử vong. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân hồi phục ngoạn mục và không để lại di chứng” - BS Khoa lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm